Đánh giá năng lực 2025: Thí sinh nói gì về những môn không học nhưng vẫn thi?

Trong đó, học sinh trả lời cả những câu hỏi của các môn không học trong suốt 3 năm THPT.

ĐÁP ÁN CÓ THỂ ĐƯỢC TÌM THẤY TỪ ĐỀ BÀI

Năm 2025, lần đầu tiên cấu trúc bài thi đánh giá năng lực được điều chỉnh phù hợp với chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đề gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài. Dù thay đổi cấu trúc nhưng bài thi vẫn hỏi kiến thức của tất cả các môn học như trước đây. Trong khi theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh (HS) không học tất cả các môn có trong chương trình. Khi thực hiện bài thi, HS sẽ phải trả lời cả những câu hỏi của những môn mình không học suốt trong 3 năm THPT. Với cách tiếp cận mới này, thí sinh (TS) có những phản hồi khác nhau.

Đề thi đánh giá năng lực: Học sinh trường chuyên cũng than dài và khó

Bước ra khỏi điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), Hoàng Vy (HS Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết đã làm được hết bài thi, không cần "đánh lụi" với câu nào dù phần toán có một vài câu không thật sự chắc chắn. Trong đó, phần ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) khá dễ, chỉ 30 phút đã có thể hoàn thành 60 câu. Phần toán hình cũng dễ, phần toán số hơi phức tạp nhưng nếu có thêm thời gian cũng sẽ giải được.

Đánh giá năng lực 2025: Thí sinh nói gì về những môn không học nhưng vẫn thi?- Ảnh 1.

Thí sinh tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực sáng 30.3

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

TS này chuyên các môn xã hội, không học môn sinh và lý trong 3 năm THPT. Tuy nhiên, theo Vy, các câu hỏi thuộc 2 môn này chủ yếu là lý thuyết, đáp án có thể được tìm thấy từ trong đề bài. "Nếu năm trước đề thiên về tính toán nhiều hơn thì năm nay đề ra dạng đọc hiểu nhiều hơn. Tất nhiên, đề cũng có tính phân loại cao với các đáp án đưa ra, nếu không đọc kỹ sẽ rất khó chọn được đáp án đúng", TS này nói thêm.

Cũng đến từ Trường Phổ thông Năng khiếu, Phùng Anh Khoa cho biết so với năm trước, đề thi năm nay khó hơn ở phần toán nhưng "nhẹ" hơn ở phần khoa học tự nhiên. Dù không học sử và địa trong chương trình THPT nhưng việc xử lý các câu hỏi này không khó do các dữ kiện đã được nêu trong bài. Tương tự, Đăng Khoa (Trường Thực hành Sài Gòn) tự tin khẳng định đã hoàn thành tốt phần thi liên quan môn địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật trong bài thi dù 2 môn này không nằm trong số các môn tự chọn của Khoa. Với mức độ hoàn thành tốt bài thi ở mức 80%, Khoa mong đạt đủ số điểm để xét tuyển vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).

ẬM CHẤT CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018"

Trong khi đó, Hà Đức Cường, HS lớp 12A5 Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), cho biết trong đề đánh giá năng lực có một số câu hỏi yêu cầu em phải nắm vững kiến thức bậc THCS mới làm tốt được. Với môn toán, Cường nhận xét đề chính thức có độ khó tương đương đề minh họa, "70% với em là dễ vì kiến thức không chuyên sâu". Trong khi đó, môn văn "hơi khó" vì có nhiều câu hỏi về văn học trung đại, nam sinh cho hay. Nhìn chung, các kiến thức yêu cầu HS phải tư duy chứ không phải chỉ cần thuộc lòng là làm được, nhất là các môn thi trong phần suy luận khoa học, bởi đề đã cho sẵn công thức để HS áp dụng. Đặc biệt, ở phần hóa, giáo dục kinh tế và pháp luật, HS phải có kiến thức nền tốt mới làm đúng. Các phần còn lại là tiếng Anh, tư duy logic và phân tích số liệu, theo Cường, đều vừa sức với em nói riêng và những bạn có học lực khá trở lên nói chung.

Đồng Minh Khánh, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nhận định đề thi đánh giá năng lực đợt 1 "đậm chất chương trình Giáo dục phổ thông 2018" so với đề những năm trước đó. Như ở tiếng Việt, ngoài những câu hỏi khảo sát về chức năng văn học, loại từ mà "năm nào cũng gặp", đề lần này có kiến thức về văn học trong các loại hình nghệ thuật hay văn học kỳ ảo trung đại, dân gian. "Điều này đòi hỏi TS không chỉ có khả năng tư duy tốt mà còn cần có kiến thức xã hội vững. Chưa kể, đề năm nay câu nào ngữ liệu cũng rất dài nên nếu đọc hết rồi giải từng câu thì chắc chắn không đủ thời gian. Đề còn hạn chế hỏi tác giả nào có phong cách gì hay chia tác phẩm theo thể loại để chọn và phân biệt, giúp tránh tình trạng thuộc lòng, học vẹt", nam sinh chỉ ra.

Một điểm sáng khác là phần suy luận khoa học. Đồng Minh Khánh nói đây là phần nhiều TS quan ngại nhất vì không học đủ các môn trong tổ hợp tự chọn, nhưng cuối cùng lại là phần dễ ăn điểm nhất khi chỉ cần bám chặt vào dữ kiện trong đề. "Nếu có tính toán, đề cũng cho sẵn mọi số liệu và công thức, chỉ cần biến đổi, thế số chứ không cần liên hệ công thức ngoài. Phần này đề cũng hạn chế sử dụng từ chuyên ngành, nếu có sẽ giải thích rõ ràng", Khánh cho hay.

Đánh giá năng lực 2025: Thí sinh nói gì về những môn không học nhưng vẫn thi?- Ảnh 2.

126.338 thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức vào hôm qua

ảnh: Đào Ngọc Thạch

GIÁO VIÊN NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI "KHÁ ĐẸP"

Từ chia sẻ của học viên, thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống trung tâm Lasan - Helius Education chuyên ôn luyện các kỳ thi riêng tại TP.HCM, cho rằng đề thi đánh giá năng lực đợt 1 "khá đẹp", không quá khó và phù hợp để tuyển chọn, phân loại HS. Trong đó, ở phần thi tiếng Việt, đề hỏi đa dạng từ tác giả, tác phẩm, ý nghĩa, biện pháp tu từ hay chính tả..., đòi hỏi HS phải đọc hiểu kỹ để giải quyết.

Với phần tiếng Anh, thầy Hùng nhận xét đề vừa sức với HS. Tương tự, phần toán và tư duy logic, phân tích số liệu cũng "tương đối nhẹ nhàng", không quá đánh đố học trò. "Các môn suy luận khoa học thì vẫn giữ nguyên độ khó của đề minh họa, có cho sẵn công thức. Tổng thể thì đề khá dài, không đủ thời gian để làm hết. Riêng HS của tôi chia sẻ các bạn khó đạt điểm tối đa ở phần ngôn ngữ, còn những phần còn lại thì vừa sức", thầy Hùng thông tin.

Cùng quan điểm, thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên chuyên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến ở TP.HCM, nhận xét đề thi đánh giá năng lực không quá chuyên sâu, "hay và khá sát với chương trình mới", đặc biệt là khá đầu tư cho phần tiếng Việt. Bởi đề năm nay đánh mạnh vào phần đọc hiểu, ngữ pháp và trải rộng từ văn học dân gian, sử thi, truyện, thơ, chèo tuồng..., với những đáp án gần giống nhau, yêu cầu TS phải suy luận kỹ càng.

"Đề cũng ít ra các tác phẩm cũ trong sách giáo khoa, đòi hỏi HS phải có cảm quan văn học tốt nếu muốn đạt kết quả cao. Nói chung, phần tiếng Việt không hề dễ", thầy Công chia sẻ.

Với phần tiếng Anh, thạc sĩ Công cho rằng đề ra những câu hỏi cơ bản. Tương tự, với môn toán, HS chỉ cần luyện tập tốt là sẽ làm được khoảng 25 câu, còn lại là những câu khá khó liên quan đến xác suất, tham số... Phần tư duy logic, phân tích số liệu cũng vừa sức HS trong khi phần suy luận khoa học đề cho đủ dữ kiện để phân tích, không "ép" HS phải học tổ hợp có liên quan mới có thể làm được.

Những thay đổi bất ngờ

So với đề minh họa, thạc sĩ Bùi Văn Công cho rằng đề chính thức đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM có một số thay đổi "gây bất ngờ". Cụ thể, đề chính thức có 6 câu tư duy logic, 4 câu phân tích số liệu, còn tỷ lệ này ở đề minh họa là 8:4. Ngoài ra, trong phần suy luận khoa học, đề minh họa sắp xếp câu hỏi các môn theo thứ tự khoa học tự nhiên và khoa học xã hội còn đề chính thức thì trộn lên. "Đề chính thức môn toán có 12 câu hỏi lẻ, thay vì chỉ 6 câu như đề minh họa", thầy Công nói thêm.

Nhìn chung, thạc sĩ Bùi Văn Công nhận định đề sẽ khiến HS cảm thấy dài hơn dù vẫn có độ dài 16 trang tương tự năm trước. Đó là vì các câu hỏi yêu cầu HS phải tính toán lẫn suy luận nhiều hơn, đồng thời không quá chuyên sâu mà nhiều phần chỉ dừng ở mức đọc hiểu. "Một điểm đáng khen của đề đợt 1 năm nay là các câu hỏi đều tường minh, không gây khó hiểu hay tranh cãi", thầy Công nhận định.

Kết quả thi được công bố vào ngày 16.4

Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết công tác chấm thi được triển khai ngay từ hôm nay 31.3 và công bố vào ngày 16.4. Kết quả thi của TS sẽ được công bố chi tiết gồm: tổng điểm toàn bài thi, điểm từng phần thi: tiếng Việt, tiếng Anh, toán và tư duy khoa học. Mỗi phần thi có số điểm tối đa 300 điểm, trọng số từng câu hỏi sẽ khác nhau tùy độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao