
Thí sinh chuẩn bị ra về sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực đợt 1
ẢNH: NGỌC LONG
Những điểm khó trong đề thi đánh giá năng lực
Sáng 30.3, sau 150 phút làm bài, hơn 126.000 thí sinh trên toàn quốc chính thức hoàn thành kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ghi nhận ở điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM cơ sở Nguyễn Văn Cừ (Q.5), nhiều thí sinh ra về trong tâm trạng háo hức vì đề thi được cho là vừa sức và phù hợp với nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trần Thị Phương Thúy, học sinh lớp 12A13 Trường THPT Hùng Vương (Q.5), cho biết phần em thấy khó nhất trong bài là toán, bởi đề chính thức ra những câu hỏi nâng cao hơn so với đề minh họa, "rất khó trong việc bấm máy, tính toán". Trong khi đó, Thúy lại thấy các câu hỏi sinh học trong phần suy luận khoa học "khá dễ" dù học tổ hợp khoa học xã hội, lý do là vì "đề đã cho sẵn tư liệu, chỉ cần đọc hiểu là có thể trả lời được".
Đề thi đánh giá năng lực: Học sinh trường chuyên cũng than toán dài và khó
Đối với nhóm bạn Nguyễn Gia Hân, Đào Minh Châu, Nguyễn Khắc Gia Bảo, cùng học lớp 12 Anh 2 Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), phần thi tiếng Việt đặc biệt khó nhằn khi hỏi nhiều câu về văn học trung đại, "trong khi tụi em tập trung ôn văn học hiện đại". Trong đó, Minh Châu đặc biệt ấn tượng với câu hỏi, cụm "bỉ sắc tư phong" mà tác giả Nguyễn Du dùng để bắt đầu Truyện Kiều mang ý nghĩa gì.
Cụ thể, cụm "bỉ sắc tư phong" được lấy từ một câu thơ trong đoạn mở đầu danh tác Truyện Kiều: "Trăm năm trong cõi người ta / Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau / Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng / Lạ gì bỉ sắc tư phong / Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Theo một số thí sinh, chuyên gia luyện thi, đáp án đúng là "được này mất kia".

Từ trái qua: Đào Minh Châu, Nguyễn Gia Hân và Nguyễn Khắc Gia Bảo, cùng học lớp 12 Anh 2 Trường Phổ thông năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM)
ẢNH: NGỌC LONG
Đứng cạnh bên, Gia Bảo chia sẻ em ấn tượng với câu về chèo, hỏi rằng nhân vật Thị Phương trong vở chèo Trương Viên là gì trong số các đáp án là đào thương, đào lẳng, kép hoặc lão. Trong khi đó, Gia Hân gặp khó với những câu hỏi trong phân môn giáo dục kinh tế và pháp luật, như giấy phép kinh doanh là văn bản loại gì hay việc trốn thuế được phân loại vào tội phạm nào...
"Em hy vọng mình sẽ đạt trên 850 điểm do đây là mức xét của ĐH em muốn đăng ký vào", Gia Hân nói. "Để nhận xét về đề đợt này, em có ba từ khóa là quá khó, quá dài, quá 'khoai', nhất là ở các môn xã hội dù bản thân em cũng học tổ hợp xã hội. Ngược lại, đề tự nhiên lại không 'khó thở' như những đề thi thử em từng làm".
Môn toán gây thách thức?
Nguyễn Phúc Thịnh, học sinh lớp 12 Trường Phổ thông năng khiếu, thì cho biết em bỏ khá nhiều thời gian cho môn toán, trong khi phần ngôn ngữ, tư duy logic, phân tích số liệu, suy luận khoa học lại "không quá khó". "Một số câu toán khó là đề cho mập mờ về số liệu, như đặt nhiều ẩn khác nhau và yêu cầu phải tính ra một con số cụ thể. Những phần còn lại thiên về đọc hiểu thông tin và suy luận để cho ra đáp án chính xác", nam sinh kể.
Môn toán cũng là phần mà Lê Duy Hiếu, học sinh lớp 12 Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, quan tâm nhất. "Đặc biệt, đề thi đánh giá năng lực vẫn ra câu hỏi về tham số m dù đề thi tốt nghiệp THPT đã loại bỏ phần này. Em nghĩ nhiều bạn sẽ gặp khó khăn ở phần này", Hiếu nhận định, cho biết thêm câu hỏi trên sẽ giúp tạo ra sự phân hóa giữa các trình độ với nhau.

Một nhóm bạn trao đổi với nhau sau giờ thi
ẢNH: NGỌC LONG
Trong đợt 1 thi đánh giá năng lực năm 2025, thí sinh được dự thi ở 25 tỉnh, thành là Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk và TP.HCM.
Năm nay, đề đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Tuy nhiên, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực lần đầu được điều chỉnh nhằm phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, hai điểm đáng chú ý là bài thi điều chỉnh nội dung và số câu hỏi của các nhóm lĩnh vực kiến thức và yêu cầu thí sinh dự thi tất cả 11 nhóm lĩnh vực.
Năm 2025, hơn 100 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Trước đó, vào năm 2024, kỳ thi đã giúp ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn hệ thống. Điểm tối đa của bài thi đánh giá năng lực là 1.200 và điểm từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.