Sáng nay hơn trăm nghìn thí sinh tham dự kỳ thi xét tuyển vào đại học

 - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Kỳ thi xét tuyển đại học quy mô lớn

Sáng nay (30.3), ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025. Với hơn 100.000 thí sinh đăng ký, đây là đợt thi tập trung có quy mô lớn đầu tiên được tổ chức để xét tuyển vào ĐH năm nay.

Kỳ thi được tổ chức ở 25 tỉnh/thành gồm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk và TP.HCM.

Thi đánh giá năng lực ĐHQG TP.HCM: 'Tụi em cảm giác có thể thi điểm hơn 900'

So với năm trước, số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM tăng kỷ lục. Cụ thể, sau 30 ngày mở cổng đăng ký đợt 1, hơn 130.000 thí sinh đăng ký dự thi (tăng khoảng 30% so với năm trước). Số thí sinh hoàn tất các thủ tục và đủ điều kiện dự thi gần 120.000.

 - Ảnh 2.

Thí sinh được cán bộ hướng dẫn vào khu vực phòng thi

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Phiếu báo dự thi được cung cấp trực tuyến qua tài khoản mà thí sinh đã đăng ký một tuần trước ngày thi. Thí sinh phải đăng nhập vào tài khoản để in phiếu báo dự thi và sử dụng khi đi thi. Đồng thời, thí sinh phải sử dụng bản chính căn cước công dân hoặc thẻ căn cước khi dự thi.

Từ năm 2025, ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ cấp giấy chứng nhận kết quả thi dạng điện tử, không cấp dạng bản giấy. Thí sinh có thể tải giấy này từ tài khoản cá nhân và sử dụng để đăng ký xét tuyển.

 - Ảnh 3.

Thí sinh trao đổi trước giờ vào phòng thi

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Năm thi có nhiều đổi mới về cấu trúc bài thi

Năm nay, đề thi đánh giá năng lực vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Tuy nhiên, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, bài thi giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.

 - Ảnh 4.

So với năm ngoái, năm nay số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 tăng kỷ lục

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 - Ảnh 5.

Không chỉ tăng số lượng thí sinh dự thi, kỳ thi năm nay còn có nhiều điểm mới về cấu trúc bài thi

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 - Ảnh 6.

Dự kiến hơn 100 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh năm nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 - Ảnh 7.

Nhiều thí sinh đến điểm thi từ rất sớm

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 - Ảnh 8.

Thí sinh được mời vào phòng thi

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 - Ảnh 9.

Thí sinh bắt đầu làm bài từ 8 giờ 30 sáng nay

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.

Điểm số tối đa của bài thi là 1.200, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: tiếng Việt là 300 điểm, tiếng Anh là 300 điểm; toán học là 300 điểm và tư duy khoa học là 300 điểm. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của câu hỏi.

Năm 2025, hơn 100 trường ĐH và CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Trước đó, năm 2024 kỳ thi đã giúp ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển được hơn 9.200 sinh viên, chiếm hơn 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh toàn hệ thống.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao