Thi đánh giá năng lực theo cấu trúc mới, học sinh lo, chuyên gia khuyên gì?

Thi đánh giá năng lực theo cấu trúc mới, học sinh lo, chuyên gia khuyên gì? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2024

ẢNH: NHẬT THỊNH

Có bạn chỉ tự học để thi đánh giá năng lực

Sáng 29.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi 20225 tại Trường THPT Trương Định (TP.Gò Công, tỉnh Tiền Giang), thu hút hơn 1.000 học sinh của 3 trường THPT tại TP.Gò Công. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh chưa một ngày nữa là hơn 128.000 thí sinh, trong đó phần lớn là học sinh cuối cấp, sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ khi tổ chức, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ thay đổi cấu trúc đề. Trong đó, hai điểm đáng chú ý là ĐH Quốc gia TP.HCM điều chỉnh nội dung và số câu hỏi của các nhóm lĩnh vực kiến thức, đồng thời yêu cầu thí sinh dự thi tất cả 11 nhóm lĩnh vực kiến thức thay vì được chọn 3 trong số 6 nhóm như thông tin trước đó trường này từng chia sẻ. Đây đều là những thách thức yêu cầu học sinh phải lên chiến lược ôn luyện phù hợp.

Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện, Bùi Thị Nhã Trân, học sinh lớp 12/3 Trường THPT Bình Đông, cho biết em muốn xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM. Đó là nguyên nhân nữ sinh chọn đăng ký tham gia kỳ thi riêng của ĐH này để nâng cao khả năng trúng tuyển và bắt đầu việc ôn luyện kể từ vài tháng trước. "Chủ yếu là em tự học", nữ sinh kể.

Cụ thể, Trân tổng hợp lại học liệu và các đề thi thử trên internet, rồi in ra để học và làm sau đó tự sửa lại theo đáp án có sẵn. "Khó nhất với em là 30 câu hỏi môn toán, dù bản thân em cũng đang học tổ hợp khoa học tự nhiên nhưng vẫn thấy nó quá sức. Trong khi đó, với các câu hỏi khoa học xã hội như sử, địa, em học kiến thức từ chính đề thi và hầu như đây không là trở ngại lớn", Trân chia sẻ.

Võ Thanh Danh, học sinh lớp 12D3 Trường THPT Trương Định, thì đã bắt đầu ôn thi đánh giá năng lực từ khoảng 4 tháng trước. Để tiết kiệm chi phí và cũng bởi không có trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào ở địa phương nơi em sinh sống, Danh và nhóm bạn thân đã hùn tiền lại mua một khóa học trực tuyến để cùng học chung với nhau. "Trong khóa này, thầy cô sẽ livestream dạy các môn học và cho làm những dạng đề khác nhau", Danh kể.

"Những ngày 'nước rút' trước thi như hôm nay, em chủ yếu chỉ luyện đề đồng thời giữ tâm lý thoải mái để làm bài hiệu quả. Em cũng lo khi bây giờ tụi em chia ra học tổ hợp hoặc tự nhiên hoặc xã hội nhưng đề lại cho thi chung hết. Thiệt sự bây giờ nếu nhắc tới hóa và sinh thì tụi em không biết cái gì hết", nam sinh học tổ hợp khoa học xã hội bày tỏ. "Riêng trong lớp em, tỷ lệ các bạn thi đánh giá năng lực phải lên tới 90%".

Thi đánh giá năng lực theo cấu trúc mới, học sinh lo, chuyên gia khuyên gì? - Ảnh 2.

Thí sinh trao đổi về đề thi đánh giá năng lực

ẢNH: NHẬT THỊNH

Đặng Nguyễn Lan Anh, học cùng lớp, thì chia sẻ ngoài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, em cũng đăng ký thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để xét tuyển vào ngành sư phạm tiểu học của đơn vị này. "Nói chung là cả tụi em lẫn cha mẹ đều rất là lo trước những đổi mới vừa qua trong đề thi, chưa kể năm nay còn là năm đầu tiên triển khai nữa nên không biết độ khó sẽ như thế nào", Lan Anh giãi bày.

Chuyên gia khuyên gì?

Thầy Đặng Duy Hùng, quản lý hệ thống trung tâm Lasan - Helius Education chuyên ôn luyện các kỳ thi riêng ở TP.HCM, khuyên rằng sau khi nhận đề thi, thí sinh nên dành 3 phút lướt hết các câu hỏi và chọn làm trước các câu ít tốn thời gian để làm hay có thể chọn nhanh được đáp án. "Đó là những câu toán, tiếng Việt, tiếng Anh dễ và những câu đầu tiên ở chuỗi đọc hiểu 6 môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội", nam giáo viên nói.

"Theo tôi, những câu toán khó và phần tư duy logic sẽ tốn nhiều thời gian của thí sinh nhất, thế nên các bạn cần tránh sa đà quá lâu vào những câu này, đến khi làm xong lại không đủ giờ cho các câu còn lại nữa. Một vấn đề đáng chú ý khác là sau khi chốt câu nào thì lập tức tô ngay đáp án câu đó, tránh để đến tận cuối giờ mới bắt đầu tô, dễ bị hoảng hoặc thậm chí không đủ giờ để tô hết", thầy Hùng lưu ý.

Còn thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên chuyên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến ở TP.HCM, khuyên thí sinh làm trước câu dễ rồi mới tới câu khó, đồng thời phân bổ thời gian phù hợp cho mỗi phần chứ đừng chia đều thời gian cho mỗi phần như nhau, "vì mỗi bạn có điểm mạnh, điểm yếu riêng". Để tối ưu điểm số, thí sinh cũng nên tập trung vào 90 câu toán, tiếng Việt, tiếng Anh và 12 câu logic, phân tích số liệu.

"Trước khi bắt đầu giờ làm bài, các bạn phải tranh thủ đi vệ sinh cho xong, vì mất 5 phút thôi cũng ảnh hưởng ít nhiều tới kết quả. Còn khi thi, học sinh nên tập trung cao độ và cố hết sức mình, tránh tâm lý thi cho có hay thi theo phong trào nên chỉ làm hời hợt nửa chừng, cuối cùng mất đi một cơ hội trúng tuyển", thầy Công dặn dò.

Thầy Nguyễn Võ Minh Tâm, đồng sáng lập Trung tâm TTE - The Learning Center (Q.3, TP.HCM), cũng khuyên thí sinh phân bổ thời gian theo nguyên tắc "dễ làm trước, khó làm sau". Đồng thời, hãy sử dụng phương pháp loại trừ, "nếu không chắc chắn về đáp án, hãy loại bỏ những phương án sai hay ít có khả năng đúng nhất để tăng cơ hội chọn đúng", thầy Tâm chia sẻ.

"Kỳ thi không chỉ yêu cầu ghi nhớ mà còn đòi hỏi khả năng phân tích, suy luận, thế nên hãy sử dụng kỹ năng đọc hiểu nhất là trong các phần ngôn ngữ và tư duy logic. Các bạn cũng phải đọc kỹ đề và câu hỏi vì đôi khó có những từ khóa quan trọng giúp định hướng câu trả lời đúng. Quan trọng là giữ tâm lý bình tĩnh, trước khi vào phòng thi hãy hít thở sâu và tin vào khả năng của mình", thầy Tâm nhắn nhủ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao