Sau trận động đất mạnh 7,3 độ Richter, chiều 28.3 Thái Lan tuyên bố thủ đô Bangkok (Thái Lan) là vùng thảm hoạ.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, nhiều người Việt, trong đó chủ yếu là khách du lịch sang Bangkok đã vượt qua cơn hoảng loạn, một số người đã về lại khách sạn sau khi sơ tán trong khi có người đang trên đường ra sân bay về lại Việt Nam.
Trễ chuyến bay về Việt Nam vì kẹt xe
19 giờ 10 phút, Hoàng Thảo (25 tuổi, ở Hà Nội) cho biết vừa xuống taxi đến sân bay nhưng đã trễ chuyến bay. Cô gái cho biết phải ở lại sân bay chờ chuyến ngày mai và đang liên hệ hãng để giải quyết. "Mình bị kẹt xe trên đường đến sân bay", Thảo nói sau hơn 2 tiếng di chuyển trên quãng đường khoảng 20 km.
Hoàng Thảo có chuyến công tác 5 ngày ở Bangkok, theo lịch 18 giờ 30 phút, ngày 28.3 cô sẽ rời khách sạn ở Q.Khlong Toei (Bangkok) lên chuyến bay ở sân bay Don Mueang về Hà Nội.
CLIP: Đường từ trung tâm Bangkok ra sân bay Don Mueang ùn tắc nghiêm trọng chiều nay (Video: Hoàng Thảo)

Đường ra sân bay của Hoàng Thảo ngang qua ngôi nhà đang xây bị sập vì động đất nên phải đi đường vòng
Ảnh: Chụp màn hình
Chiều nay, khoảng 13 giờ 30 phút, khi đang di chuyển bằng tàu điện thì Thảo cảm nhận sự rung lắc. Trong khoảng vài phút, cường độ rung lắc mạnh dần nên nhân viên tàu điện hướng dẫn để mọi người di chuyển xuống đường. Cô gái cho biết, khi đó các loại phương tiện công cộng đều ngừng hoạt động.
"14 giờ 20 phút, mình nhận được thông báo sân bay đóng cửa, đến 16 giờ thì có thông báo mới sân bay hoạt động trở lại", Thảo kể và cho biết trong khoảng thời gian đó, cô về khách sạn để thu dọn đồ đạc thì thấy vụn kính vỡ, mảng tường bong tróc rớt xuống nền nhà, ống nước vỡ làm phòng ngập lênh láng.
"Tuyến đường cao tốc mình ra sân bay ngang qua gần khu vực có ngôi nhà đang xây bị đổ sập nên phải đi đường khác, tình trạng kẹt xe nghiêm trọng", Thảo nói.

Nhân viên tàu điện hướng dẫn mọi người sơ tán
Ảnh: Hoàng Thảo

Người dân đổ ra đường khi có động đất
Ảnh: Hoàng Thảo
Trên đường Sukhumvit, Bangkok, chị Trần Thị Diễm (41 tuổi, ở Hà Nội) cho biết hiện đang ra khỏi phòng khách sạn để mua thức ăn.
"Chiều nay, khoảng 13 giờ 30 phút, tôi đáp chuyến bay từ Hà Nội sang Bangkok để dự một sự kiện, đang làm thủ tục nhận phòng khách sạn thì có động đất. Tôi nghĩ mình bị choáng nên ngồi xuống, nhưng lại thấy chóng mặt hơn", chị nói.
Động đất ở Myanmar, vì sao Hà Nội, TP.HCM cảm nhận rung lắc?
Biết là có động đất, mọi người trong khách sạn hô hoán nhau chạy ra đường, nhìn lên các toà nhà cao tầng, chị Diễm mô tả: "Cảm giác sợ hãi khi lần đầu tiên thấy toà nhà 20 tầng chao đảo như cây trước gió".
Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ sơ tản ra bên ngoài, chị Diễm đọc tin tức và thấy tình hình đã ổn nên cùng mọi người quay lại phòng khách sạn.

Chị Diễm cho biết, phương tiện công cộng ngưng hoạt động nên người dân phải đi bộ lúc 18 giờ 30 phút.
Ảnh: Trần Diễm

Tình trạng kẹt xe trên đường Sukhumvit lúc 16 giờ.
Ảnh: Trần Diễm
Hiện, chị Diễm không thể đến sự kiện như kế hoạch vì xe điện, xe buýt không hoạt động, taxi không không gọi được. Còn các cửa hàng tiện lợi, quán ăn xung quanh khách sạn thì đóng cửa nên chưa tìm được chỗ ăn tối.
Còn trong căn hộ của chị Phạm Bảo Châu (35 tuổi, ở TP.HCM) đang thuê ở Q.Phra Nakhon sau trận động đất xuất hiện nhiều vết nứt. Chị Châu cho biết, sau khoảng 2 tiếng đi sơ tán tại một khoảng đất trống cách căn hộ 5 phút đi bộ, BQL toà nhà cho cư dân quay về.

Tường căn hộ tầng 31 nơi chị Châu đang ở bị nứt sau động đất
Ảnh: NVCC

Cư dân toà nhà nơi chị Châu sinh sống được hỗ trợ nước uống khi sơ tán
Ảnh: NVCC
Chị Châu chia sẻ, bản thân và những người dân địa phương ở toà nhà chưa từng trải qua một trận động đất nào như thế nên ban đầu rất hoảng loạn. May mắn là BQL toà nhà có thông báo và hỗ trợ sơ tán, cấp phát nước đầy đủ cho người dân trong lúc chờ đợi nên chị và mọi người dần bình tĩnh hơn.
"Tàu điện chưa hoạt động trở lại nên tôi phải huỷ một cuộc hẹn tối nay. Đường phố rất đông đúc, bạn tôi ở văn phòng cũng nhắn tin chưa thể về nhà được do tình trạng kẹt xe nghiêm trọng", chị Châu nói.


Tại sân bay Don Mueang (Bangkok) nhiều chuyến bay bị huỷ hoặc hoãn giờ bay
Ảnh: Vũ Hoàng Quang Minh
Chị Huyền (31 tuổi, quê ở Huế) sinh sống và làm việc tại Bangkok 3 năm nay. Chị cho biết, chiều 28.3, sau trận động đất mạnh 7,3 độ Richter ở Myanmar tình hình giao thông ở Bangkok ùn tắc nghiêm trọng, các phương tiện giao thông không thể di chuyển.
Sau 18 giờ (giờ địa phương) người dân dễ đi lại hơn nhưng vẫn chưa thể thông thoáng như bình thường. Xe buýt cũng như các phương tiện giao thông công cộng khác ngưng hoạt động.
"Tôi sống cách nơi có tòa nhà ở Bangkok bị sập do ảnh hưởng của động đất khoảng 4 km. Bạn tôi hôm nay có nhiều người bị trễ chuyến vì việc di chuyển từ nhà ra sân bay tốn nhiều thời gian hơn dự kiến, kẹt xe di chuyển khó khăn. Từ trung tâm thành phố Bangkok đến sân bay bình thường chỉ mất 40 phút nhưng hôm nay mất gần 2 tiếng", chị Huyền cho biết.
Các đoàn khách Việt ở Thái Lan thế nào?
Đại diện Công ty du lịch Vietravel cho biết, hiện công ty đang phục vụ các đoàn với gần 300 du khách đang du lịch Thái Lan. Các đoàn khách Việt đang trong trạng thái ổn định, hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp hoãn hay hủy tour nào.
Lữ hành Saigontourist cũng thông tin, công ty đang có 1 đoàn du khách Việt đi Thái, hiện không bị ảnh hưởng, do đang ở khu vực ngoại ô, không phải ở Bangkok. Theo kế hoạch, ngày 30.3 đoàn về Việt Nam.