Liên quan đến vụ nước sông Pheo bị ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa lễ hội bơi Đăm - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ phản ánh của người dân và chính quyền sở tại, PV Thanh Niên đã ghi nhận được cảnh nước sông "đổi màu" sau 2 ngày bổ cập nước từ sông Hồng.


Sông Pheo - nơi diễn ra lễ hội hôm 26.3 và 28.3
Theo ghi nhận vào chiều tối 28.3, sông Pheo (P.Tây Tựu, Q.Nam Từ Liêm) đã cạn hơn hẳn so với 2 ngày trước, màu nước đã chuyển từ xanh sang đen, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Nước sông ô nhiễm khiến người dân địa phương lo lắng bởi ngày diễn ra lễ hội đã tới gần nhưng họ chưa thể luyện tập. Trong khi đó, giải pháp bơm nước từ sông Hồng về chỉ là tạm thời.


Dòng nước đổi màu ô nhiễm rõ rệt chỉ sau 2 ngày


Nước đã cạn, thuyền không thể di chuyển dưới sông Pheo


Một đoạn sông Pheo hướng lên thượng nguồn sau 2 ngày
Cũng trong ngày 28.3, PV đi ngược lên đầu nguồn sông Pheo thì phát hiện con kênh trên địa bàn xã Tân Lập (H.Đan Phượng) bị ô nhiễm đã được mở cống, nước ô nhiễm cứ thế chảy thẳng vào sông Pheo đã được làm sạch bằng nước sông Hồng trước đó.
Nói về việc này, ông Ngô Duy Quý, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho biết lúa của người dân trên địa bàn bị ngập nên đơn vị thủy lợi phải mở cống thoát nước. Để tránh việc lễ hội diễn ra trên nguồn nước ô nhiễm, cách duy nhất là bơm nước từ sông Hồng vào.
Sông Pheo 'kêu cứu': Lễ hội bơi Đăm bên dòng nước đen ngòm
Ông Quý cho rằng, nguồn nước tại kênh T1-2 (chảy qua khu đô thị Tân Tây Đô và đổ vào sông Pheo) bị ô nhiễm từ lâu do hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ. Cạnh đó, Tân Lập là xã vùng trũng, thường xuyên hứng chịu nước thải từ các địa phương khác của huyện như xã Hạ Mỗ, TT.Phùng...
Khi PV cung cấp những hình ảnh mương nước đi qua một số công ty trên địa bàn xã có nước đen ngòm chảy ra, ông Quý khẳng định đó là nước thải chứ không phải là doanh nghiệp xả thải.
"Có một xí nghiệp hóa chất của Bộ Quốc phòng trước đây họ làm mạ nhưng đã dừng sản xuất lâu rồi, giờ chỉ còn 2 bảo vệ. Còn khu đô thị Tân Tây Đô có 3 trạm xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Trường hợp trạm xử lý nước thải chưa đáp ứng được chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra vì nước thải của khu đô thị không thuộc thẩm quyền của chúng tôi mà thuộc huyện, chúng tôi chỉ quản lý về con người", ông Quý nói.

Kênh T1-2 trên địa bàn xã Tân Lập bị ô nhiễm nhiều năm, nước chảy thẳng vào sông Pheo
ẢNH: ĐÌNH HUY

Hôm 26.3, nước ô nhiễm ở kênh này được ngăn bằng hệ thống trạm bơm, cánh phai cống
ẢNH: ĐÌNH HUY

Đến ngày 28.3, cánh phai được kéo lên, nước ô nhiễm đổ ra sông Pheo
ẢNH: ĐÌNH HUY

Nước ô nhiễm hòa vào dòng nước sạch sẵn có
ẢNH: ĐÌNH HUY


Mực nước giảm rõ rệt sau khi cánh phai cống được nâng lên


Nước ô nhiễm cũng được rút đi rất đáng kể ở kênh T1-2