Khoảng 12 giờ 50 ngày 28.3 (giờ địa phương) một trận động đất mạnh 7,7 độ, ở độ sâu gần 10 km, với tâm chấn cách TP.Sagaing (Myanmar) 16 km và cách thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay 17,2 km.

Tòa nhà ở Thái Lan sụp đổ do ảnh hưởng động đất
ẢNH: REUTERS
Trận động đất lớn trên đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho Myanmar, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại Hà Nội và TP.HCM khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, nhiều người dân sống trên các tòa chung cư, văn phòng thấy nhà rung lắc, người chóng mặt như bị tụt huyết áp.
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các khoa học trái đất, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, cho biết đây là trận động đất rất lớn nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng.
Động đất 7,7 độ có sức phá hủy như thế nào?
Vì vậy, khoảng cách từ vị trí xảy ra động đất tới Hà Nội khoảng 1.000 km và tới TP.HCM khoảng gần 1.700 km người dân vẫn cảm nhận được động đất.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, trận động đất xảy ra trên đất nước Myanmar được phân loại là lớn (có độ lớn từ 7- 7,9) theo thang moment (ký hiệu là Mw).

Cấp độ động đất theo thang moment
ẢNH: BÁO NHÂN DÂN
Những loại động đất có độ lớn như trên khi xảy ra sẽ gây hư hại nhiều hoặc tất cả các công trình xây dựng trên nhiều vùng. Trong đó, một số công trình sẽ bị sụp đổ một phần hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Trường hợp các công trình được thiết kế tốt vẫn bị hư hại.
TS Nguyễn Xuân Anh đánh giá, trận động đất có độ lớn 7,7 độ Richter khi xảy ra sẽ gây ngưỡng thiệt hại về người trong khoảng từ 0 - 250.000 người. Mỗi năm, trên thế giới có trung bình 10 - 20 trận.
Người dân theo dõi tin động đất ở đâu?
Việt Nam không phải là quốc gia thường xuyên xảy ra các vụ động đất lớn. Do vậy, nhiều người chưa biết cách tra cứu thông tin về các vụ động đất.
Hiện nay, nơi cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống về động đất tại Việt Nam là website http://igp-vast.vn/ của Viện Các khoa học trái đất (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam).
Ngoài ra, chuyên trang động đất khác do Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) phát hành cũng được các công ty công nghệ, truyền thông sử dụng khi cần đưa tin về hiện tượng này. Trang này sắp xếp các sự kiện theo trình tự thời gian, vụ gần nhất nằm ở đầu, độ mạnh của trận động đất theo thang độ moment được chú thích bên cạnh.