Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Hàm Thuận diễn ra trong không khí quân và dân Bình Thuận tưng bừng hướng đến Ngày giải phóng Bình Thuận (ngày 19.4) và 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Lễ mít tinh có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Thuận, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các địa phương kết nghĩa từ TP.HCM, Tuyên Quang… và hàng nghìn cán bộ chiến sĩ, nhân dân trong huyện tham gia.

Bí thư Huyện ủy Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch đọc diễn văn nêu bật những chiến công vang dội của quân và dân Hàm Thuận
ẢNH: QUẾ HÀ
Trong bài diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Hàm Thuận (nay là hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam), Bí thư Huyện ủy H.Hàm Thuận Bắc Nguyễn Ngọc Thạch nhấn mạnh, trong kháng chiến, Hàm Thuận là cửa ngõ, là bàn đạp tấn công vào Phan Thiết, trung tâm đầu não của địch ở Bình Thuận.
Do vậy, Hàm Thuận là mảnh đất chiến trường khắc nghiệt hứng chịu bom đạn của kẻ thù. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, quân và dân Hàm Thuận đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và đánh bại mọi âm mưu của giặc.
Rạng sáng 8.4.1975, các cánh quân của Hàm Thuận đã đồng loạt nổ súng, đánh vào chi khu Thiện Giáo, chiếm lĩnh quận lỵ Thiện Giáo để giải phóng Ma Lâm, góp phần quan trọng vào chiến công giải phóng Bình Thuận ngày 19.4.1975.

Hội Cựu chiến binh Hàm Thuận Bắc tham dự mít tinh
ẢNH: QUẾ HÀ
Để có được thành quả ấy, đã có trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Hàm Thuận hy sinh; gần 5.000 người bị tù đày, tra tấn, thương tật...
Xây dựng quê hương từ những dấu tích bom đạn
Sau giải phóng, quân và dân Hàm Thuận bắt tay xây dựng lại quê hương trên cơ thể đầy dấu tích bom đạn. Là vùng đất nông nghiệp, nhưng quanh năm thiếu nước, toàn huyện dốc sức xây dựng nhiều công trình thủy lợi để có nước sản xuất. Từ chỗ thiếu nước, nay Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam có hàng trăm công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có hồ Sông Quao chứa tới trăm triệu mét khối nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trao tặng bằng khen cho UBND Hàm Thuận Bắc tại buổi lễ
ẢNH: QUẾ HÀ
Ngoài việc chuyên canh lúa nước, các vùng đất khô hạn năm xưa đã được phủ xanh bởi hàng chục ngàn héc ta cây thanh long và các cây trồng khác… Đời sống của người dân có thu nhập mức trung bình cao hơn so với mặt bằng của tỉnh.
Kể từ năm 1983, chia tách Hàm Thuận thành 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, tốc độ phát triển kinh tế của cả 2 huyện ở mức cao nhất trong tỉnh.
Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của Hàm Thuận Bắc đạt trên 57 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 2,3%; cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao được nâng lên rõ rệt…

Thanh niên Hàm Thuận Bắc noi gương các thế hệ cha anh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp
ẢNH: QUẾ HÀ
Phát biểu tại lễ mít tinh, ông Đặng Hồng Sỹ, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hàm Thuận đạt được thời gian qua.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận những cống hiến, hy sinh, mất mát của đồng bào, cán bộ chiến sĩ cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng, sắp tới đây mô hình mới sẽ sáp nhập tỉnh, không còn chính quyền cấp huyện. Do vậy, Tỉnh ủy yêu cầu cấp huyện tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng về cấp xã, xây dựng chính quyền xã tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn nữa.