'Sướng' như công dân số TP.HCM

Tại TP.HCM, chuyển đổi số ngày càng được phổ cập vào đời sống. Khi cần thực hiện thủ tục hành chính, người dân lên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, app (ứng dụng) VNeID, tra cứu thông tin trên app Công dân số TP.HCM, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi đi metro… Những giấy tờ quan trọng giờ đây có thể được chuyển về tận nhà, không cần đến các cơ quan hành chính xếp hàng chờ đợi.

Giấy tờ giao tận nhà, đi metro chỉ cần quét mã

Do không có thời gian đến trực tiếp trụ sở Công an TP.HCM đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp, anh Tấn Đạt (29 tuổi, ở Q.10) lên mạng tìm hiểu cách làm trực tuyến và biết được có thể thực hiện ngay trên app VNeID.

 - Ảnh 1.

UBND P.2 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trang bị máy tính bảng luôn kết nối mạng để người dân tra cứu thông tin, thủ tục hành chính

ẢNH: T.L

"Tôi khá bất ngờ vì có thể làm thủ tục này ngay trên điện thoại của mình, mất khoảng 15 phút điền thông tin thôi. Chưa kể việc thanh toán lệ phí cũng nhanh chóng qua ứng dụng ngân hàng. Tôi đăng ký trả kết quả về tận nhà, đóng thêm một ít phí vận chuyển qua bưu điện là xong", anh Đạt cho hay.

Theo anh Đạt, việc thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp trên các app như VNeID tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho người dân. "Trước đây, mỗi khi nghe tới làm thủ tục hành chính là tôi e ngại, giờ thì quá tiện lợi", anh Đạt chia sẻ.

Tương tự, chị Thùy Linh (30 tuổi, ở Q.Tân Bình) vừa được bưu điện chuyển hộ chiếu về tận nhà. "Tôi thao tác ngay trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, thông tin đã tích hợp trên VNeID nên không tốn nhiều thời gian điền lại. Thanh toán tiện lợi bằng chuyển khoản ngân hàng. Tôi thấy chuyển đổi số trong hành chính như thế này rất tiện cho người dân", chị Linh nói.

Bên cạnh đó, khi tuyến metro số 1 được đưa vào hoạt động, việc tích hợp thanh toán điện tử vào giao thông công cộng càng được người dân đánh giá cao. Minh Anh (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) cho biết việc mua vé online không dùng tiền mặt giúp khách hàng tiết kiệm nhiều thời gian, không cần chờ mua vé giấy.

"Tấm vé QR này rất hay, chỉ cần đưa nhân viên quét mã là đi qua. Nếu lỡ mua vé mà không dùng ngay thì vẫn có thể sử dụng vào dịp khác trong vòng 30 ngày, đây là khác biệt rất lớn so với các phương tiện công cộng khác. Với sinh viên như tôi, sử dụng vé tháng lại càng tiện lợi hơn khi chỉ cần dùng CCCD là có thể di chuyển không giới hạn với mức giá phải chăng. Những tiện ích số này giúp nâng cao trải nghiệm người dùng, đặc biệt phù hợp với thời đại 4.0 hiện nay", Minh Anh chia sẻ.

Nỗ lực phát triển công dân số TP.HCM

Hỗ trợ đắc lực cho công tác hướng dẫn người dân tiếp cận chuyển đổi số phải kể tới những tổ công nghệ số cộng đồng. Ông Đặng Văn Thanh Vũ (Trưởng khu phố 2, P.2, Q.Phú Nhuận) là một trong những thành viên tích cực trực tiếp hướng dẫn nhiều hộ gia đình cài đặt và sử dụng các ứng dụng VNeID và Công dân số TP.HCM.

"Chúng tôi mời đại diện một người trong một hộ gia đình, có sự tiếp cận nhanh về công nghệ, đặc biệt là các bạn trẻ, ra nơi sinh hoạt của khu phố để hướng dẫn. Sau đó họ về chỉ lại cho người trong gia đình, nếu có thắc mắc thì chúng tôi sẽ giải đáp tiếp. Với người lớn tuổi, tôi còn cẩn thận ghi lại tên đăng nhập và mật khẩu, passcode của VNeID để họ dễ dàng sử dụng sau này", ông Vũ cho hay.

Bà Nguyễn Thị Phong Loan (Bí thư kiêm Trưởng ấp 38, xã Vĩnh Lộc B, H.Bình Chánh) nhận định muốn dân hiểu và thực hiện thì phải giải thích rõ ràng cái hay, cái lợi của chuyển đổi số mang lại trong đời sống. "Như triển khai cho người dân tải, sử dụng app Công dân số TP.HCM, VNeID, mình phải biết nhóm đối tượng tuyên truyền họ quan tâm đến vấn đề gì thì tập trung nói chỗ đó để lấy ấn tượng ban đầu. VNeID thì mình tuyên truyền có thể làm các thủ tục như đăng ký lưu trú, đăng ký xe lần đầu, đăng ký chữ ký số… Còn app Công dân số TP.HCM thì có thể coi địa chỉ bệnh viện, trường học. Thời điểm này, người dân cũng có thể xem trên app các thông tin về sáp nhập, tránh bị rối loạn từ các tin không chính thống", bà Loan giải thích.

Chuyển đổi số trong cách phục vụ người dân

Ông Trần Hữu Thiện, Chủ tịch UBND P.2 (Q.Phú Nhuận), cho biết tại trụ sở UBND phường trang bị 3 máy tính bảng luôn kết nối mạng để người dân thực hiện tra cứu thông tin thủ tục hành chính. Công an phường còn tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục như đăng ký cư trú trên VNeID, cấp CCCD và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, giúp quá trình số hóa diễn ra thuận lợi hơn.

"Người dân sử dụng nền tảng trực tuyến để thực hiện thủ tục hành chính không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giảm áp lực lên các bộ phận tiếp nhận hồ sơ, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại và hiệu quả hơn. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến trao tặng điện thoại thông minh cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không ai bị bỏ lại trong tiến trình chuyển đổi số", ông Thiện nói.

Tương tự, theo ông Võ Quốc Duy, Chủ tịch UBND P.Tân Hưng Thuận (Q.12), để hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ số, việc hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VNeID và Công dân số TP.HCM được thực hiện miễn phí, thông qua cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trên các nền tảng mạng xã hội, phường đăng tài liệu hướng dẫn chi tiết, còn tại các khu phố, 19 tổ công nghệ số với 92 thành viên trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng. Đến nay, tỷ lệ người dân cài đặt VNeID trên địa bàn đã đạt 98,28% với 20.665/21.025 hồ sơ định danh điện tử mức 2.

Trong quá trình triển khai cũng không tránh khỏi những khó khăn, đặc biệt đối với người cao tuổi, người có trình độ học vấn thấp, người khuyết tật và những người chưa quen sử dụng công nghệ. Để khắc phục, P.Tân Hưng Thuận đã tổ chức các lớp đào tạo miễn phí, cung cấp hướng dẫn bằng hình ảnh, video, và đơn giản hóa giao diện ứng dụng để người dân tiếp cận.

Một số cổng dịch vụ công và ứng dụng di động mà người dân có thể sử dụng để tra cứu thông tin và thực hiện thủ tục hành chính:

Cổng dịch vụ công quốc gia: Kết nối, cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Địa chỉ truy cập: https://dichvucong.gov.vn

Cổng dịch vụ công Bộ Công an: Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội, như cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú và đăng ký cấp biển số xe lần đầu... Địa chỉ truy cập: https://dichvucong.bocongan.gov.vn

Ứng dụng VNeID: Ứng dụng định danh điện tử do Bộ Công an phát triển, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính như thông báo lưu trú, đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký cấp biển số xe lần đầu và xác nhận thủ tục hành chính...

Ứng dụng VssID: Ứng dụng bảo hiểm xã hội số do Bảo hiểm Xã hội VN phát hành, cho phép người dùng tra cứu thông tin tham gia bảo hiểm, thay thế thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ công liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Cổng dịch vụ công các bộ, ngành và địa phương: Ngoài các cổng và ứng dụng nói trên, nhiều bộ, ngành và địa phương cũng có cổng dịch vụ công riêng, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính liên quan. Ví dụ: Cổng dịch vụ công TP.HCM, Cổng dịch vụ công Hà Nội…

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao