Ung thư miệng là loại ung thư có thể phát triển ở bất kỳ vị trí nào trong miệng, từ môi, nướu, lưỡi, lớp lót bên trong má, vòm miệng và sàn miệng. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, hệ miễn dịch suy yếu, vệ sinh răng miệng kém cũng góp phần vào nguy cơ mắc ung thư miệng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Các chuyên gia cho biết nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ đáng kể gây ung thư miệng, đặc biệt là ung thư vòm họng. HPV là virus gây u nhú ở người, có thể gây nhiễm trùng ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, từ da, niêm mạc và cơ quan sinh dục. Một số chủng HPV có thể gây ra mụn cóc, trong khi một số khác lại gây ung thư, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.
Không giống như các loại ung thư do thuốc lá, ung thư miệng liên quan đến HPV thường xuất hiện ở người trẻ, không hút thuốc và có thể tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm. Các triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư miệng liên quan đến HPV là đau họng dai dẳng, khàn giọng, khó nuốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, khối u ở cổ hoặc họng, đau tai, ho dai dẳng, đau lưỡi, vết loét không lành trong miệng.
Phòng ngừa virus HPV là bước quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của bạn
Để phòng ngừa ung thư miệng thì phòng ngừa nhiễm HPV rất quan trọng. Mọi người cần tránh các hành vi tình dục có nguy cơ cao, chẳng hạn như có nhiều bạn tình hoặc quan hệ tình dục bằng miệng mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HPV.
Kiểm tra răng miệng thường xuyên cũng rất cần thiết. Nha sĩ không chỉ điều trị các vấn đề răng nướu mà còn có thể phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư trong miệng.
Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan đến HPV, trong đó cả ung thư miệng, cổ tử cung, hậu môn, dương vật và âm hộ.
Ngoài ra, các món làm tăng nguy cơ ung thư như rượu bia, thuốc lá cũng cần tránh. Không chỉ thuốc lá điếu mà cần tránh cả các loại thuốc lá khác như thuốc lá điện tử, thuốc lá nhai và xì gà, theo Healthline.