Bộ Công thương có 9 trường đại học, 24 trường cao đẳng trực thuộc
Bộ Công thương được biết đến là bộ có nhiều trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) trực thuộc trong số các bộ ngành hiện nay.
Trên trang thông tin điện tử của Bộ Công thương hiện nay, trong số các đơn vị sự nghiệp của bộ này có 33 trường ĐH, CĐ.
Trong đó, 9 trường ĐH gồm: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì, Trường ĐH Sao Đỏ, Trường ĐH Công nghiệp Việt-Hung, Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh, Trường ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công thương TP.HCM.
24 trường CĐ gồm: Trường CĐ Công nghiệp Huế, Trường CĐ Công nghiệp Việt-Đức, Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm, Trường CĐ Công nghiệp Thái Nguyên, Trường CĐ Công nghiệp Nam Định, Trường CĐ Công nghiệp và thương mại, Trường CĐ Công thương TP.HCM, Trường CĐ Thương mại và du lịch, Trường CĐ Công thương miền Trung, Trường CĐ Công thương Thái Nguyên, Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp, Trường CĐ Công thương Hải Dương, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật công thương, Trường CĐ Thương mại, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại, Trường CĐ Du lịch và thương mại, Trường CĐ Công nghiệp và xây dựng, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội, Trường CĐ Cơ khí luyện kim, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ Công nghệ và kinh tế công nghiệp, Trường CĐ Công nghiệp Hưng Yên, Trường CĐ Công thương Phú Thọ.
Ngoài ra, bộ này còn có Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương trung ương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ký văn bản số 06/CV-BCĐTKNQ18, đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của bộ, ngành mình.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sáp nhập Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, sáp nhập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường vào Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường.
Sáp nhập, giảm số lượng trường cao đẳng
Theo phương án đề xuất sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công thương gửi Bộ Nội vụ thời gian tới, Bộ Công thương dự kiến sáp nhập nhiều đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức.
Liên quan đến cơ sở đào tạo, bộ này dự kiến sáp nhập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công thương trung ương vào Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương.
Bên cạnh đó, sắp xếp 8 trường CĐ trực thuộc Bộ Công thương đóng trên địa bàn các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Hà Nội trong năm học 2024-2025. Sau sắp xếp, từ 8 trường CĐ giảm xuống còn 4 trường CĐ.
Cụ thể, sáp nhập Trường CĐ Công nghiệp Thái Nguyên vào Trường CĐ Thương mại và du lịch; sáp nhập Trường CĐ Công nghệ và kinh tế công nghiệp vào Trường CĐ Công nghiệp Việt - Đức; sáp nhập Trường CĐ Công thương Phú Thọ vào Trường CĐ Công nghiệp thực phẩm; sáp nhập Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội vào Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại.
Đồng thời, Bộ Công thương dự kiến sắp xếp 2 viện vào 2 trường ĐH. Cụ thể, sáp nhập Viện nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp vào Trường ĐH Công nghiệp Việt-Hung; sáp nhập Viện nghiên cứu dầu và cây có dầu vào Trường ĐH Công thương TP.HCM.
Liên quan đến công tác sắp xếp tinh gọn bộ máy, một số đơn vị khác cũng có chủ trương sáp nhập, hợp nhất để giảm số lượng đầu mối quản lý bên trong. Ví dụ, theo "Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong ĐH Quốc gia TP.HCM", trong 5 năm tới, ĐH này giảm 36% đầu mối quản lý bên trong; Tăng số đơn vị tự chủ tài chính từ 66% lên 92%; Giảm số nhân sự hưởng lương ngân sách nhà nước xuống còn 8%. Theo thông báo ngày 31.12.2024 của ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn vị này cũng thống nhất định hướng về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, từ 36 đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc giảm xuống còn 25 đơn vị (giảm 30,5% đầu mối nội bộ)...