Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) coi phong tục đón Tết Nguyên đán như một "di tích của xã hội phong kiến" và coi ngày đầu năm mới theo dương lịch là ngày đầu năm mới, một ngày lễ chính thức vào năm 1946, theo Korea Herald.
Sau Chiến tranh Triều Tiên năm 1953, tục lệ Tết Nguyên đán đã biến mất không dấu vết ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, cố lãnh đạo Kim Jong-il vào năm 2003 đã chỉ thị cho người dân ăn mừng Tết Nguyên đán kéo dài 3 ngày và nhấn mạnh tầm quan trọng của Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống kế thừa truyền thống dân tộc.
Vì thế, cho đến nay, ngoại trừ Nhật Bản bỏ Tết Nguyên đán và lấy ngày 1.1 theo dương lịch làm ngày đón năm mới thì các quốc gia ở châu Á vẫn giữ Tết Nguyên đán gồm Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... Các quốc gia này đón Tết Nguyên đán nhưng vẫn có những truyền thống khác biệt.
Korea.net đã tổng hợp những khác nhau trong cách Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức lễ Seollal (Tết Nguyên đán) dựa trên thông tin của Bộ Thống nhất.
Chúc mừng năm mới
Khi gặp gỡ mọi người vào dịp Seollal, người Hàn Quốc nói "Saehae bok mani badeuseyo (Chúc bạn gặp nhiều may mắn trong năm mới)", trong khi người Triều Tiên nói "Saehaereul chuckhahabnida (Chúc mừng năm mới)."
Những ngày đầu năm mới
Người sáng lập Triều Tiên Kim II-sung gọi Seollal là di chứng của xã hội phong kiến và do đó người dân của ông không thể công khai kỷ niệm ngày lễ cho đến năm 1989, khi Seollal được khôi phục như một ngày lễ để truyền lại truyền thống. Đến năm 2023, chính phủ Triều Tiên bắt đầu tổ chức các sự kiện quốc gia vào ngày 1 tháng 1 của Tết Nguyên đán và người Triều Tiên thực hiện charye (nghi lễ tổ tiên) vào ngày 1 tháng 1 theo truyền thống hàng thế kỷ.
Di cư hàng loạt
Không giống như Hàn Quốc, nơi người dân phải chật vật để có được vé tàu hoặc chịu đựng những tuyến đường cao tốc bị tắc nghẽn để về thăm quê hương vào dịp Seollal hàng năm, Triều Tiên không có làn sóng di cư ồ ạt như vậy. Vì việc về quê bằng tàu hỏa hoặc ô tô rất khó khăn nên người dân Triều Tiên chỉ đơn giản là nghỉ lễ ở nhà.
Tục lệ mới
Người Hàn Quốc bày bàn charye, thực hiện sebae (lễ lạy năm mới) và chúc nhau may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, một phong tục tương đối mới đã xuất hiện ở Triều Tiên. Trước khi thực hiện phong tục này, người dân Triều Tiên sẽ đặt hoa và tỏ lòng thành kính trước tượng của các cố chủ tịch Kim II-sung và Kim Jong-il.
Món ăn đặc biệt
Ở Hàn Quốc, món ăn được nhiều người ăn vào ngày Tết Nguyên đán là tteokduk (canh bánh gạo cắt lát). Tuy nhiên, Triều Tiên có nhiều món ăn khác nhau tùy theo khu vực và sản phẩm của họ như tteokguk, manduguk (súp bánh bao), dwaejigukbap (súp cơm và thịt heo), songpyeon (bánh gạo hình mặt trăng), nokdujijim (bánh xèo đậu xanh) và mì.
Sau hàng thập kỷ chia cắt đất nước đã dẫn đến phong tục Seollal có đôi chút khác biệt ở cả hai bên bán đảo, nhưng hai miền Triều Tiên có chung nhiều phong tục tạm biệt năm cũ và chào năm mới.
Người dân Triều Tiên vẫn yêu thích các trò chơi dân gian truyền thống bao gồm thả diều, quay vòng, jegichagi và trò chơi board game yunnori trong dịp Tết Nguyên đán.