Bác sĩ Võ Triệu Đạt - Trưởng khoa Sản phụ khoa Bệnh viện FV cho biết đây là trường hợp hy hữu bệnh nhân băng huyết đã từ chối điều trị cắt bỏ tử cung - trong khi đây là chỉ định điều trị bắt buộc. Do tôn trọng quyền của bệnh nhân, các bác sĩ đã phải mất rất nhiều giờ chỉ để giải thích, thuyết phục bệnh nhân chấp thuận điều trị.
Kiên trì thuyết phục để được điều trị cho bệnh nhân
Chị J.S. (40 tuổi) từng sinh 3 con (1 lần sinh song thai) và có tiền sử mổ lấy thai. Trong lần mang thai đứa con thứ 4, chị đến Bệnh viện FV thăm khám ở tuần thai thứ 33. Bác sĩ Võ Triệu Đạt cho biết toàn bộ hồ sơ y tế của thai phụ khám trước đó tại một quốc gia khác đã bị thất lạc.
Ngày 3.1.2025, chị J.S nhập viện lúc 15:30 và 30 phút sau sinh một bé trai khỏe mạnh nặng 3,4 kg. Tuy nhiên, sau đó sản phụ có hiện tượng xuất huyết âm đạo. Dù được thực hiện thủ thuật chèn bóng, song sau đó máu vẫn tiếp tục chảy, cho thấy đây là hiện tượng băng huyết sau sinh. Lúc này các bác sĩ quyết định đưa sản phụ qua phòng mổ để cầm máu, không loại trừ khả năng cắt tử cung.
"Băng huyết sau sinh là một biến chứng sản khoa nguy hiểm, có thể xảy ra với những sản phụ không có yếu tố nguy cơ. Trong trường hợp của chị J.S, băng huyết xảy ra do nhau cài răng lược ở gần vết mổ cũ. Đây là một tình huống cực kỳ nguy cấp, nếu không xử trí kịp thời, sản phụ có thể mất máu đến mức dẫn đến tử vong", ThS-BS Võ Triệu Đạt cho hay.
Tuy nhiên, sản phụ và chồng phản đối phẫu thuật, họ chỉ muốn được nằm ở phòng sinh và theo dõi diễn biến. Trong lúc đó, toàn bộ ê kíp mổ gồm các bác sĩ gây mê hồi sức và các bác sĩ sản phụ khoa đã túc trực chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ bất cứ lúc nào.
"Từ 19:30 cho tới 1 giờ sáng hôm sau là cuộc đấu tranh cân não giữa ê kíp điều trị và hai vợ chồng bệnh nhân. Chúng tôi rất lo lắng cho tính mạng thai phụ, cố gắng thuyết phục bệnh nhân đồng ý điều trị. Dù hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề song họ vẫn bình tĩnh đề nghị được tiếp tục truyền máu và theo dõi", bác sĩ Đạt nhớ lại tình huống đấu tranh đầy gay cấn. Đã có lúc các bác sĩ không giữ nổi bình tĩnh, đầy bất lực, nhất là khi sản phụ có các biểu hiện sốc mất máu, tụt huyết áp, mạch nhanh. Bệnh nhân đôi lúc trong trạng thái lơ mơ vì sốc mất máu, nhưng khi tỉnh táo cô vẫn kiên quyết từ chối phẫu thuật còn người chồng thì một mực tôn trọng ý kiến của vợ. Các bác sĩ rối bời và lo lắng khi đứng giữa mong muốn cứu người và quyền quyết định điều trị của bệnh nhân.
Một giải pháp được đưa ra là bác sĩ đã phải làm thủ thuật thuyên tắc mạch để cầm máu cho sản phụ, nhưng 30 phút sau máu lại tiếp tục chảy. Lúc này huyết áp của thai phụ tụt sâu và bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc rất nguy kịch.
Khi sinh mệnh được đặt lên hàng đầu
Bác sĩ Đạt nhận thấy tình hình của bệnh nhân xấu đi rất nhanh, dù tôn trọng quyết định của bệnh nhân nhưng nếu không điều trị ngay lập tức thì khó giữ được tính mạng cho thai phụ. "Chúng tôi buộc phải đưa sản phụ vào phòng mổ ngay lập tức. Lúc đó phải đặt sinh mạng của bệnh nhân lên trên hết, dù họ từ chối điều trị", bác sĩ Đạt kể lại.
Thai phụ được khẩn trương đưa vào phòng mổ, bác sĩ Đạt trao đổi một lần nữa với chồng bệnh nhân: không còn biện pháp can thiệp nào khác ngoài phẫu thuật cắt bỏ tử cung để cầm máu. Lúc này, nhận ra tính chất nghiêm trọng không thể trì hoãn, người chồng đồng ý để các bác sĩ cắt bỏ tử cung của vợ để cầm máu.
Ca phẫu thuật diễn ra lúc 1 giờ sáng. Bác sĩ Đạt đã cắt bỏ tử cung bán phần và cầm máu thành công cho bệnh nhân. Tổng cộng bệnh nhân mất 2,5 lít máu, rất may mắn chị hồi phục nhanh chóng.
Xuất viện 3 ngày sau đó, hai vợ chồng chị J.S. nói lời cảm ơn ê kíp trực của FV. Cả hai bày tỏ rằng họ thực sự hiểu tính nghiêm trọng của tình huống và biết rằng các bác sĩ đã làm tất cả để để cứu sống cô.
Tại FV, trong bất kỳ tình huống nào, các bác sĩ luôn nỗ lực điều trị cho bệnh nhân bằng sự chuyên nghiệp, tận tâm, tinh thần trách nhiệm và luôn tôn trọng quyền của người bệnh. Tuy nhiên, khi đặt quyền bệnh nhân bên cạnh tính mạng của họ, thì tính mạng của bệnh nhân luôn được đặt lên trên hết. Điều này, theo bác sĩ Đạt, cũng là y đức của người thầy thuốc.