Bệnh tiêu hóa
Theo bác sĩ Lê Nhất Duy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, các tình trạng bệnh tiêu hóa thường gặp gồm: Viêm dạ dày cấp, viêm tụy cấp, ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy cấp.
Thói quen ăn uống thay đổi trong ngày tết, như tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, cay nóng, đồ ngọt hoặc sử dụng rượu bia..., chính là những nguyên nhân dẫn tới các bệnh tiêu hóa. Ngoài ra, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách có thể dẫn đến hư hỏng, ẩm mốc, gây ra các vấn đề đường tiêu hóa.
Cách phòng ngừa:
- Ăn uống điều độ, chia nhỏ các bữa ăn để giảm gánh nặng cho dạ dày.
- Bảo quản thực phẩm đúng cách.
- Tránh các món tái, sống, thức ăn nhanh hoặc để lâu ngoài môi trường.
- Hạn chế rượu bia.
Biện pháp xử lý:
Ngộ độc thực phẩm: Uống nhiều nước hoặc dung dịch oresol để bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất. Không tự ý kích thích nôn, trừ khi có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây tổn thương thực quản. Cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Viêm dạ dày: Cho người bệnh ngồi nghỉ ngơi, uống mật ong pha nước ấm hoặc trà gừng để làm dịu dạ dày. Hạn chế ăn các loại thức ăn cay nóng, dầu mỡ, đồ uống có ga.
Viêm tụy cấp: Là bệnh lý cần can thiệp cấp cứu. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng như đau bụng dữ dội vùng thượng vị, sốt, vàng da, tim đập nhanh… cần được đưa đến cơ sở y tế nhanh chóng để xử trí kịp thời.
Bệnh mạn tính tái phát
“Các bệnh mạn tính như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường… không chỉ nguy hiểm vì ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Vào dịp tết, mọi người có xu hướng lạm dụng rượu bia, tiêu thụ thức ăn nhiều muối, đường, chất béo… khiến nguy cơ tái phát hoặc biến chứng nghiêm trọng càng cao. Thời tiết thay đổi thất thường, ảnh hưởng đến huyết áp làm co giãn mạch máu và việc lơ là sử dụng thuốc cũng là các yếu tố thúc đẩy tình trạng này”, bác sĩ Nhất Duy cho hay.
Cách phòng ngừa:
- Tuân thủ đúng phác đồ điều trị, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt trong các ngày lễ.
- Áp dụng lối sống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, hạn chế muối và đường, tập thể dục nhẹ nhàng, đảm bảo giấc ngủ đầy đủ.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp và đường huyết để kiểm soát tình trạng bệnh.
- Nếu phát hiện triệu chứng như méo mặt, yếu tay chân, nói khó, hoặc cảm giác hồi hộp, đau thắt ngực, đánh trống ngực kèm khó thở, cần nhanh chóng gọi cấp cứu và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bệnh truyền nhiễm
Các bệnh thường gặp: Cảm cúm, viêm đường hô hấp, tiêu chảy nhiễm trùng, viêm gan siêu vi A, E.
Sự thay đổi thời tiết vào dịp tết dễ làm giảm sức đề kháng, khiến cơ thể dễ nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Việc di chuyển, tụ họp đông người cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan bệnh. Bên cạnh đó, thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm có thể gây nhiễm khuẩn đường ruột.
Cách phòng ngừa:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
- Hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sổ mũi, sốt vì bệnh có thể tiến triển nhanh.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, ăn chín uống sôi.
- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như cúm, viêm gan để tăng sức đề kháng.
- Đặc biệt lưu ý người lớn tuổi và trẻ em là hai đối tượng dễ nhiễm bệnh vì sức đề kháng yếu.
- Khi nhiễm bệnh, cần giữ ấm cơ thể, uống đủ nước và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ. Nếu bị viêm đường hô hấp trên, người bệnh nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc họng, uống nước ấm. Đến cơ sở y tế kiểm tra khi bệnh có dấu hiệu trở nặng.
Chấn thương
Các chấn thương phổ biến trong dịp tết thường do tai nạn giao thông, té ngã, bỏng, hoặc sây sát tay chân. Nguyên nhân chủ yếu có thể đến từ việc lái xe trong tình trạng say xỉn do sử dụng rượu bia; Tham gia các hoạt động đông người mà thiếu chú ý đến an toàn; Sử dụng dao, kéo hoặc bếp lửa không đúng cách, đặc biệt trong môi trường gia đình đông đúc.
Để phòng ngừa chấn thương, cần nghiêm túc tuân thủ luật giao thông, cẩn trọng khi sử dụng dao, kéo và các thiết bị bếp, đặc biệt nếu có trẻ nhỏ trong nhà. Đảm bảo không gian sinh hoạt an toàn khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
Cách xử lý chấn thương:
Vết thương chảy máu: Rửa sạch vùng bị thương bằng nước muối sinh lý rồi băng kín bằng gạc vô trùng, đưa đến bệnh viện nếu vết thương sâu hoặc chảy máu không cầm được.
Chấn thương nghiêm trọng (gãy xương): Cố định phần xương bị gãy bằng thanh nẹp hoặc vật cứng, sau đó nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất.