Ngày 23.1, tiến sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết sau khi uống nhầm nước tro tàu, bệnh nhi Đ. bị hoại tử thực quản nặng. Đây là một trong những trường hợp điển hình của những trẻ từ 3 đến 6 tuổi uống nhầm nước tro tàu trong dịp cận tết.
Ngoài trường hợp bé Đ., bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bé khác như T.T.N, L.V.N và T.N.V.V nhập viện cấp cứu do bỏng thực quản. Khi bị bỏng thực quản, các bé không thể ăn uống qua đường miệng, buộc phải thực hiện phương pháp nuôi ăn qua ống và trải qua một thời gian dài điều trị tại bệnh viện.
Khi nhập viện các bé được chẩn đoán bỏng thực quản và viêm trung thất nặng. Giai đoạn đầu, các bé được điều trị hồi sức tích cực để vượt qua nguy kịch, sau đó, phải trải qua nhiều lần gây mê và nội soi nong thực quản (từ 10 đến 15 lần) nhằm cứu vãn chức năng của thực quản. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công trong việc khôi phục thực quản là rất thấp do mức độ tổn thương nặng. Nếu các biện pháp trên không có kết quả, các bác sĩ buộc phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thực quản bị tổn thương nặng và thay thế bằng một phần dạ dày.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Vương Minh Chiều (khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết đây là một ca phẫu thuật phức tạp, kéo dài từ 6 đến 10 giờ, với nguy cơ mất máu, suy hô hấp, thậm chí tử vong cao. Phẫu thuật yêu cầu đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm cao và sự phối hợp chặt chẽ của ê kíp gây mê và chăm sóc sau phẫu thuật. Mặc dù các bé có thể ăn uống trở lại sau phẫu thuật, nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi và tái khám định kỳ.
Nước tro tàu có tính kiềm mạnh
Theo bác sĩ Thạch, nước tro tàu thường được sử dụng để ngâm gạo làm bánh, có tính kiềm mạnh, giúp bánh mềm dẻo và có màu sắc đẹp, nhưng lại rất nguy hiểm nếu uống phải. Chỉ một lượng nhỏ cũng có thể gây bỏng nghiêm trọng. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên đựng nước tro tàu trong chai hoặc lọ đựng nước uống thông thường dễ gây nhầm lẫn. Cần dán nhãn cảnh báo nguy hiểm rõ ràng trên các vật dụng chứa hóa chất và cất giữ chúng ở nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em.
Ngoài ra, phụ huynh nên giáo dục trẻ về sự nguy hiểm của các loại hóa chất, và dạy trẻ không tự ý sử dụng bất kỳ đồ vật nào khi không có sự giám sát của người lớn là rất quan trọng.
"Khi phát hiện trẻ uống nhầm hóa chất, phụ huynh cần giữ bình tĩnh, không tự ý móc họng gây nôn vì có thể làm hóa chất tiếp xúc thêm với thực quản, khiến tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. Ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, mang theo mẫu hóa chất nếu có", bác sĩ Thạch khuyến cáo.