Gần 100% tử vong khi đã có triệu chứng bệnh dại
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2024 có 84 ca tử do bệnh dại tại 33 tỉnh, thành (tăng 2 ca so với 2023).
Bình Thuận có số ca tử vong do bệnh dại cao nhất (10); Nghệ An 8 ca. Gia Lai và Đắk Lắk mỗi tỉnh có 7 ca.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đánh giá số ca tử vong do bệnh dại hiện cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm được giám sát tại Việt Nam, dù đã có vắc xin. "Đây là thực tế rất đáng tiếc mà các địa phương cần suy nghĩ. Cần có giải pháp cung ứng vắc xin, truyền thông để người dân khi có nguy cơ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm vắc xin huyết thanh kháng dại kịp thời", ông Tâm lưu ý.
Ông Tâm cho biết, người mắc bệnh dại đã có triệu chứng (sợ ánh sáng, tiếng động, sợ gió, tăng tiết nước bọt - PV) thì tử vong gần như 100%. Do đó, người bị chó, mèo cắn cần được tiêm vắc xin kịp thời. Nhưng thực tế vẫn còn tình trạng người dân bị chó cắn chỉ đến thầy lang chữa bệnh nên không qua khỏi.
Ông Tâm cũng lưu ý, bệnh dại lây sang người chủ yếu do vật nuôi (chó, mèo mang vi rút dại). Để ngăn bệnh dại trên người, cần nâng tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó mèo từ 70% trở lên, thay vì chỉ khoảng 50% như hiện nay.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, năm 2024 cả nước ghi nhận 141.100 ca mắc sốt xuất huyết, với 28 ca tử vong. Bệnh tay chân miệng có hơn 76.370 ca mắc, không có tử vong. Cúm mùa ghi nhận 287.548 ca mắc, 8 ca tử vong (tăng 3 ca so với năm 2023). Có 1.074 trường hợp mắc ho gà (cao hơn 21,9 lần so với 2023), 1 ca tử vong...