TS Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, một trong số các chính sách mới nổi bật của luật Dược có hiệu lực từ 2025, là quy định cụ thể ưu đãi, hỗ trợ cho chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc mới và biệt dược gốc. Việt Nam hướng đến trở thành trung tâm sản xuất và chuyển giao công nghệ thuốc biệt dược gốc trong khu vực ASEAN.
Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% số lượng và đạt 70% giá trị vào năm 2030.
Các dự án đầu tư quy mô tổng vốn từ 3.000 tỉ đồng trở lên và giải ngân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong 3 năm đầu được ưu đãi đặc biệt về nghiên cứu phát triển công nghệ, sản xuất thuốc mới và các thuốc từ nguồn dược liệu nội địa.
Theo TS Hùng, tổng giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam từ 3,4 tỉ USD (năm 2015) đã đạt 7,46 tỉ USD vào năm 2022. Trong nước hiện sản xuất được 15 loại vắc xin, đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 10% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.
Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70% về số lượng, và có khoảng 20 loại thuốc được chuyển giao công nghệ từ các công ty đa quốc gia như AstraZeneca, Servier, Viatris.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra những hạn chế của thuốc nội là giá trị còn thấp, hiện chỉ chiếm khoảng 46,3% giá trị tiêu thụ, dù số lượng được sử dụng chiếm tỷ lệ lớn. Nguyên liệu sản xuất thuốc ước phải nhập khẩu 80 - 90%.
"Hạn chế về nguồn lực, thiếu vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu và sản xuất còn hạn chế" là yếu tố đầu tiên trong các rào cản phát triển dược phẩm nội địa, được lãnh đạo Cục Quản lý dược chỉ ra.