Ngâm chân, massage chân ngừa bệnh mùa lạnh

TĂNG ĐỀ KHÁNG THÔNG QUA HUYỆT BÀN CHÂN

Ngâm chân, bấm huyệt bàn chân là phương pháp trị liệu có từ lâu đời, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Nguyên Xuân, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, các huyệt ở bàn chân đều có liên hệ chặt chẽ với các cơ quan nội tạng. Khi tác động đúng cách vào các huyệt này sẽ giúp tăng tuần hoàn máu và cải thiện chức năng tạng phủ, từ đó có tác dụng điều trị bệnh.

"Việc tác động vào các huyệt ở bàn chân giúp kích thích các khu phản xạ, tăng cường tuần hoàn máu, giải độc, tăng sức đề kháng, cải thiện chức năng các cơ quan nội tạng và thư giãn", bác sĩ Xuân giải thích.

Ngâm chân, massage chân

Massage huyệt Dũng tuyền giúp dưỡng thận, lưu thông khí huyết, cải thiện chức năng thần kinh

ẢNH: AN DY

Trong khoảng hơn 300 huyệt vị truyền thống trên khắp cơ thể thì bàn chân có khoảng 20 huyệt vị được sử dụng trị liệu Đông y. Trong số này, các huyệt thông dụng, thường được sử dụng trong bấm huyệt bàn chân là: Dũng tuyền, Thương khâu, Thái xung, Nội đình, Bát phong, Giải khê, Thái khê, Côn lôn. Ngoài ra, còn có các khu phản xạ tuyến yên, tuyến giáp, gan, thận, dạ dày, tuyến sinh dục… Các vùng này khi được tác động đúng cách sẽ giúp điều hòa chức năng của các cơ quan tương ứng, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Cụ thể, massage bàn chân giúp cải thiện các nhóm bệnh lý cơ xương khớp (đau vai gáy, đau lưng, đau khớp gối…); bệnh lý thần kinh (rối loạn giấc ngủ, đau đầu…); các vấn đề về tiêu hóa (đau dạ dày, táo bón, đầy hơi…); các chứng bệnh về hô hấp (viêm xoang, viêm mũi dị ứng, ho kéo dài…); các bệnh lý nội tiết như rối loạn kinh nguyệt, suy nhược cơ thể…

Tuy nhiên, cần thận trọng đối với phụ nữ mang thai và trong kỳ kinh nguyệt, những người bị tổn thương da hay các vết thương hở trên bàn chân.

TỰ NGÂM CHÂN, MASSAGE CHÂN TẠI NHÀ

Nhiều bệnh nhân khi đến điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cũng thường được bác sĩ, kỹ thuật viên hướng dẫn day những huyệt thông dụng để tự massage bàn chân, hỗ trợ điều trị các bệnh lý mạn tính.

Đối với rối loạn giấc ngủ, day và kích thích các huyệt thuộc khu phản xạ đầu, thận, tâm, gan. Viêm mũi dị ứng thì massage kích thích các khu phản xạ trán, mũi, xoang (tập trung ở lòng bàn chân). Đau đầu có thể tự học massage các huyệt ở khu phản xạ đầu, trán, tiểu não, thần kinh sinh ba. Đau cổ vai gáy có thể học massage các huyệt ở khu phản xạ cổ, cơ thang, vai, cánh tay…

Theo các bác sĩ y học cổ truyền, mỗi người có thể tự thực hiện các bước ngâm chân, thậm chí tự massage những huyệt căn bản dưới lòng bàn chân. Trước khi thực hiện, cần chuẩn bị nước ấm khoảng 38 - 40 độ C, không quá nóng để tránh tổn thương da. Sau đó, hòa vào nước ấm gói thảo dược ngâm chân có bán tại các bệnh viện y học cổ truyền, các tiệm thuốc Đông y uy tín; hoặc có thể tự làm bằng cách nấu nước gừng, sả, muối biển thô, thảo dược (như bạch chỉ, hoa cúc, lá bưởi)…

Cần chuẩn bị chậu ngâm chân đủ lớn (để ngâm ngập cả 2 bàn chân) và gợi ý dùng một túi ni lông cỡ lớn có thể bọc gọn cả chậu, rồi cột miệng bao lại để giữ hơi ấm được lâu hơn. Khoảng thời gian ngâm chân lý tưởng nhất là từ 15 - 20 phút.

Trong quá trình ngâm chân, hơi ấm sẽ bao phủ toàn bộ phần cẳng chân lên đến gối. Khi ngâm chân, có thể kết hợp với một số động tác như tẩy tế bào chết, xoay cổ chân hoặc xoa nhẹ bàn chân, giúp tăng cường lưu thông máu. Ngâm xong, lau khô bàn chân bằng khăn mềm, ủ ấm bàn chân và nghỉ ngơi, thư giãn 10 - 15 phút…

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao