Ngay sau đó, người nhà nhanh chóng đưa ông đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An cấp cứu trong tình trạng đau nhức nhiều kèm sưng, bầm tím quanh vùng cắn.
Tương tự, cách đó vài ngày khi dọn dẹp bãi đất ngoài vườn, ông P.V.C (58 tuổi, ngụ tại Long An) bị rắn lục đuôi đỏ cắn vào gót chân bên phải. Sau khi bị cắn, ông C. cảm thấy choáng váng, gót chân bị sưng nhanh chóng, môi và lưỡi đều bị tê. Người nhà đã ngay lập tức đưa ông đến bệnh viện.
Ngày 23.12, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Công Vân, Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết sau khi tiếp nhận, cả hai bệnh nhân đã được các bác sĩ nhanh chóng xử lý vết thương rắn cắn, sau đó tiêm huyết thanh kháng nọc rắn, huyết thanh kháng độc tố uốn ván, kháng sinh dự phòng, kháng viêm, giảm đau, đồng thời theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn.
Nhờ được đưa đến kịp thời và điều trị tích cực với huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng sưng đau của người bệnh đã được kiểm soát, ngăn chặn sự lan rộng của nọc độc. Sau vài ngày điều trị, cả hai người bệnh ổn định và được xuất viện về với gia đình.
Bác sĩ Vân cho biết, rắn lục đuôi đỏ là loài rắn có nọc độc mạnh, người bệnh sau vài phút bị rắn cắn sẽ có biểu hiện sưng nề lan nhanh và có thể chảy máu không cầm nơi bị cắn. Sau khoảng 6 giờ, phần sưng nề có thể lan rộng đến gốc chi dẫn đến toàn chi sưng to, tím tái, xuất huyết dưới da, xuất huyết trong cơ... Nếu không được cấp cứu kịp thời thì người bệnh sẽ sớm bị rối loạn đông máu, xuất huyết nặng và có thể dẫn đến tử vong.
Mùa mưa hằng năm là giai đoạn sinh nở và phát triển của nhiều loài rắn độc, tình trạng biến đổi khí hậu đã phá vỡ môi trường sống của rắn đã khiến chúng dịch chuyển tìm nơi trú ẩn gần khu vực dân cư sinh sống. Việc này đã khiến số lượng người bị rắn cắn gia tăng đáng kể. Do đó, người dân cần lưu ý đề phòng rắn lục đuôi đỏ, nếu di chuyển ban đêm cần có đèn pin soi hai bên lối đi để kịp thời phát hiện rắn ở ven đường đi, nên ngủ mùng để vừa tránh muỗi đốt vừa tránh rắn và các côn trùng khác tấn công, thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa thông thoáng,…
"Hiện nay, điều trị rắn cắn bằng huyết thanh kháng nọc rắn là phương pháp hữu hiệu nhất, thời điểm sử dụng tốt nhất là trong 4 giờ đầu sau khi rắn cắn. Do đó, nếu không may bị rắn cắn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối không đắp thuốc lên vết cắn hoặc rạch vết cắn để lấy nọc, khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Vân khuyến cáo.
Cách xử lý khi bị rắn cắn
Bác sĩ chuyên khoa 1 Huỳnh Trung Hiếu (Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh) khuyến cáo về điều trị cấp cứu ban đầu, sơ cứu tại nơi xảy ra tai nạn với mục đích làm chậm hấp thu nọc rắn vào cơ thể:
- Trấn an nạn nhân, thường họ rất hoảng sợ
- Bất động và đặt chi bị cắn thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố
- Rửa sạch vết thương
- Băng chặt chi bị cắn với băng vải, băng bắt đầu từ phía vị trí vết cắn đến gốc chi để hạn chế hấp thu độc chất theo đường bạch huyết
- Nẹp cố định chi bị cắn
- Nhanh chóng đưa người bị rắn cắn đến bệnh viện
- Các điều trị hiện nay không được khuyến cáo vì không có hiệu quả, có thể gây nhiễm trùng, tăng sự hấp thu nọc độc và chảy máu tại chỗ như rạch da, hút nọc độc bằng miệng hay giác hút...