Nhiều đề tài nghiên cứu về điều trị ung thư được Bộ GD-ĐT phê duyệt năm 2025

Cụ thể, 25 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ GD-ĐT được phê duyệt với tổng kinh phí 15,9 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước. 

Trong số 25 đề tài, đa số liên quan đến các lĩnh vực hóa học, vật lý và sinh học. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu hướng đến các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực y tế như thuốc điều trị ung thư, hợp chất ức chế virus Covid-19...

Đề tài nghiên cứu liệu pháp quang học điều trị ung thư

Cụ thể, đề tài của tiến sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, ĐH Bách khoa Hà Nội, nghiên cứu phát triển thuốc nano huỳnh quang không chứa kim loại nặng định hướng ứng dụng trong liệu pháp quang học điều trị ung thư.

Mục tiêu của nghiên cứu này là phát triển thuốc điều trị ung thư thế hệ mới dựa trên liệu pháp quang động nhằm tăng hiệu quả trong điều trị, giảm tác dụng phụ và qua đó nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Nhiều đề tài nghiên cứu về điều trị ung thư được Bộ GD-ĐT phê duyệt năm 2025- Ảnh 1.

Nhiều nghiên cứu hướng đến việc điều trị ung thư

ẢNH: HỒNG DIỄM

Yêu cầu của Bộ là đề tài phải có 2 bài báo được đăng hoặc chấp nhận đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục WoS, Q1/Q2, một bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính từ 0,75 điểm.

Đồng thời, sản phẩm ứng dụng gồm có: một quy trình công nghệ tổng hợp thuốc nano huỳnh quang không chứa kim loại nặng ứng dụng trong liệu pháp quang học điều trị ung thư, 1g mẫu vật liệu nano huỳnh quang không chứa kim loại nặng ứng dụng trong liệu pháp khoa học điều trị ung thư...

Cũng liên quan đến điều trị ung thư, tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung, ĐH Thái Nguyên, được duyệt đề tài Tổng hợp sinh học phức hệ nano bạc từ tinh dầu và dịch chiết hoa cây kinh giới trồng tại Đồng Văn và đánh giá hoạt tính ức chế vi khuẩn kháng thuốc và kháng tế bào ung thư.

Tiến sĩ Trung sẽ nghiên cứu để tổng hợp phức hệ nano bạc từ tinh dầu và dịch chiết của hoa cây kinh giới trồng tại Đồng Văn và xác định các tính chất lý hóa của hạt nano. Bên cạnh đó, phân tích hoạt tính ức chế vi khuẩn kháng thuốc và ức chế tế bào ung thư của tinh dầu, dịch chiết hoa và phức hệ nano bạc được tổng hợp.

Sau khi hoàn thiện, đề tài phải cung cấp sản phẩm là dung dịch nano bạc được tổng hợp từ tinh dầu của hoa, thể tích 500 ml với nồng độ tối thiểu 5ug/ml kèm theo dữ liệu về ức chế vi khuẩn kháng thuốc và tế bào ung thư. Đồng thời phải có một đăng ký giải pháp hữu ích.

Hợp chất ức chế virus Covid-19

Trong khi đó, tiến sĩ Phạm Đức Dũng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, sẽ nghiên cứu tìm kiếm các hợp chất có khả năng ức chế virus Covid-19 từ nguồn dược liệu thuộc chi Vitext và chi Phyllanthus sinh trưởng ở tỉnh Bình Thuận.

Ngoài sản phẩm là 2 bài báo được chấp nhận đăng trên tạp chí WoS, một bài báo được đăng trên tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm từ 0,5 trở lên, người nghiên cứu phải hỗ trợ đào tạo một nghiên cứu sinh theo hướng nghiên cứu của đề tài và một thạc sĩ có luận văn theo hướng nghiên cứu của đề tài và được bảo vệ thành công.

Sản phẩm ứng dụng mà đề tài đạt được là 20 đến 25 hợp chất hữu cơ tinh khiết, một đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận.

Ứng dụng trong đo kiểm linh kiện bán dẫn

Tại lĩnh vực vật lý, tiến sĩ Trần Văn Thực, ĐH Bách khoa Hà Nội, được duyệt đề tài Nghiên cứu phương pháp đo lường 3 chiều bề mặt độ phân giải dọc trục 50 nm ứng dụng trong đo kiểm linh kiện bán dẫn.

Mục tiêu đề tài là xây dựng được phương pháp đo lường 3 chiều vật thể có độ phân giải dọc trục 50 nm sử dụng kỹ thuật holography và ánh sáng cấu trúc, xây dựng được mô hình vật lý hệ thống đo lường 3 chiều vật thể, ứng dụng trong phòng thí nghiệm.

Đề tài này muốn được nghiệm thu phải có sản phẩm ứng dụng là một bằng sáng chế (được chấp nhận đơn hợp lệ), một mô hình thí nghiệm đo lường bề mặt 3D bề mặt kết hợp giữa phương pháp ánh sáng cấu trúc và hologram, độ phân giải dọc trục lớn hơn hoặc bằng 50 nm.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao