Gout gây sưng viêm, đau dữ dội
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, bệnh gout là một loại viêm khớp, khởi phát thường đột ngột, sưng, đau và viêm các khớp. Các triệu chứng của bệnh xảy ra khi có quá nhiều a xít uric trong máu. Khi nồng độ a xít uric cao, các tinh thể uric sẽ có thể tích tụ trong các khớp, gây sưng, viêm và đau dữ dội.
3 nguyên nhân chính gây cơn đau gout là do tăng sản xuất a xít uric nội sinh; do giảm đào thải a xít uric ở thận; ăn quá nhiều thực phẩm nhiều purin như các loại thịt đỏ và thủy hải sản.
Theo chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, để việc điều trị bệnh gout đạt kết quả tốt hơn, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, duy trì luyện tập, cần có chế độ ăn hợp lý. Trong những ngày tết, càng cần lưu ý lựa chọn thực phẩm để ngăn sự xuất hiện các cơn đau do gout.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, lưu ý người bệnh gout nên tránh các loại rau xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh như măng tây, măng tre, nấm, giá, dọc mùng… vì chúng làm tăng tốc độ tổng hợp a xít uric trong máu. Đồng thời, cần tránh uống rượu vì rượu làm gia tăng sự tạo a xít uric trong gan và ngăn cản thận thải a xít uric.
Ngoài ra, các thức ăn và đồ uống có nhiều purin như: thịt đỏ, thịt cừu và thịt lợn; nội tạng, phủ tạng như gan, thận, óc, lòng…; hải sản, đặc biệt là động vật có vỏ như tôm, trai, cá cơm và cá mòi, làm tăng nguy cơ bị cơn gout cấp. Do đó nên tránh những loại thực phẩm này.
Chế độ ăn giúp giảm a xít uric
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Trung Dũng (Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai), lưu ý thêm để tránh các cơn đau trong kỳ nghỉ tết, người bệnh gút không nên xao nhãng chế độ ăn giúp giảm lượng a xít uric trong cơ thể, vì a xít uric là nguyên nhân chính gây ra các cơn gout. Nên ăn các loại thịt có màu trắng: thịt lườn gà, thịt heo, cá sông, trứng… vì thịt có màu trắng thường ít purin hơn. Lượng protein cần cho cơ thể mỗi ngày là 50 - 100 gram.
Cũng theo bác sĩ Dũng, tinh bột và thực phẩm giàu carbohydrate là loại thực phẩm cần thiết đối với người bệnh gout, bởi nó chứa một lượng purin an toàn. Chúng có chức năng làm giảm và hòa tan a xít uric trong nước tiểu. Vì vậy, người bệnh có thể ăn mì, phở, bún, khoai, bánh mì, ngũ cốc, gạo, hạt chia.
Người mắc gout nên ăn các trái cây và rau củ không chứa nhiều đường như: táo, cam, cherry, dâu tây, dưa hấu, cà chua, dưa chuột; các loại rau củ tươi: cải xanh, rau cần, súp lơ... Các loại thực phẩm này hỗ trợ đào thải a xít uric trong máu ra ngoài.
"Rau xanh các loại, súp lơ xanh và rau chân vịt là những thực phẩm giàu chất xơ được khuyến khích dùng cho người bệnh gout bởi chúng có thể làm giảm hấp thu đạm từ đó giảm sự hình thành a xít uric. Nên sử dụng nhiều thực phẩm có tính kiềm như cải xanh, củ cải, bí vì chúng có tác dụng trung hòa a xít uric trong máu, làm chậm tiến triển của bệnh", bác sĩ Dũng cho biết thêm.
"Nên uống nhiều nước mỗi ngày, trung bình khoảng uống 2 - 2,5 lít/ngày tùy thuộc vào cân nặng, giới, tuổi… để tăng cường đào thải a xít uric", chuyên gia về bệnh xương khớp cũng nhấn mạnh vai trò của nước với người bị gout.