10 năm nữa, Trung Quốc muốn thành cường quốc giáo dục trên toàn cầu

10 năm nữa, Trung Quốc muốn thành cường quốc giáo dục trên toàn cầu- Ảnh 1.

Kế hoạch giáo dục mới với mục tiêu trở thành cường quốc giáo dục được đăng tải trên trang web của Bộ Giáo dục Trung Quốc

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Điều cần làm để thành cường quốc giáo dục

Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) và Quốc vụ viện cuối tuần trước đã ban hành tầm nhìn mới về giáo dục với tên gọi "Kế hoạch quy hoạch xây dựng cường quốc giáo dục (2024-2035)". Văn kiện này nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng quốc gia hàng đầu về giáo dục với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, từ đó có thể hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa và phục hưng dân tộc, theo Tân Hoa Xã.

Cụ thể, kế hoạch đề cập đến nhiều vấn đề giáo dục khác nhau từ giáo dục nhân cách và tư tưởng, giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp, xây dựng xã hội học tập, số hóa giáo dục và các vấn đề về nghiên cứu khoa học, công nghệ với tổng cộng 38 chỉ đạo khác nhau. Kế hoạch cũng nêu yêu cầu chung kèm các mục tiêu theo năm, đồng thời nhắn gửi các bên phải tăng cường tổ chức và thực hiện.

"Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nghiêm túc gánh vác trách nhiệm chính trị xây dựng cường quốc giáo dục, đưa việc này vào chương trình nghị sự quan trọng, cũng như thực hiện đề án này trên cơ sở thực tế. Cần tạo môi trường mà trong đó toàn xã hội quan tâm, ủng hộ việc xây dựng cường quốc giáo dục, tăng cường tuyên truyền và định hướng dư luận, hoàn thiện cơ chế hợp tác giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội, hình thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng cường quốc giáo dục", văn bản viết.

Kế hoạch này lập tức thu hút sự quan tâm của các kênh truyền thông quốc tế, bởi nó ra mắt vào đúng dịp ông Donald Trump, một nhà lãnh đạo cứng rắn với Trung Quốc, nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Trong khi đó, kế hoạch mới của Trung Quốc tập trung vào việc "mở cửa" hệ thống giáo dục, như khuyến khích các ĐH nước ngoài danh tiếng cung cấp chương trình đào tạo và thành lập cơ sở nghiên cứu ở nước này.

Kế hoạch mới cũng cho thấy Trung Quốc có dự định mở rộng trao đổi học thuật và hợp tác quốc tế về giáo dục và nghiên cứu khoa học, cũng như hỗ trợ các ĐH nước này khởi xướng hay tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế lớn. Trung Quốc cũng sẽ tích cực tham gia vào quản trị giáo dục toàn cầu, hỗ trợ các trường trong nước thiết lập liên minh học thuật, tạo ra các tạp chí khoa học có ảnh hưởng quốc tế..., theo kế hoạch.

10 năm nữa, Trung Quốc muốn thành cường quốc giáo dục trên toàn cầu- Ảnh 2.

Khuôn viên ĐH Bắc Kinh, một trong những cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu Trung Quốc

ẢNH: PEKING UNIVERSITY

Lý do ban hành kế hoạch mới

Trả lời tờ The PIE News, ông Mingze Sang, Chủ tịch Hiệp hội dịch vụ du học Bắc Kinh (BOSSA), phân tích mục tiêu bao trùm của bản kế hoạch là củng cố lẫn hiện đại hóa hệ thống giáo dục tại Trung Quốc, một hệ thống mà nhiều người dân hiện đang "không hài lòng". "Trong đó có việc tiếp cận giáo dục ĐH trong nước bị hạn chế làm nhiều gia đình phải cân nhắc cho con du học hay học các chương trình liên kết đào tạo", ông Sang nói.

Mặt khác, ông Hongqing Yang, Giám đốc điều hành Educationist Group (Hồng Kông), nhận định kế hoạch mới được chính phủ Trung Quốc ban hành nhằm "đối phó với những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt". "Do đó, Trung Quốc tìm cách nuôi dưỡng nhân tài trong nước bằng cách mở cửa cho các ĐH nước ngoài, nhất là khi nước này phải đối mặt với các thách thức trong việc đưa sinh viên ra nước ngoài học tập", ông Yang nói.

"Ngay khi Mỹ đóng sầm cửa với Trung Quốc thì Trung Quốc lại chọn mở cửa với Mỹ", ông Simon Marginson, giáo sư giáo dục ĐH ở ĐH Oxford (Anh), trả lời tờ Times Higher Education. "Trung Quốc đang hành xử giống như cách Mỹ từng làm, tức dùng quan hệ cởi mở chứ không phải đối đầu và đóng cửa, để đạt được các mục tiêu chính sách".

Trước đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam hồi cuối năm 2024 cũng ra mắt, phê duyệt nhiều chính sách liên quan đến giáo dục và công nghệ, gồm Quyết định số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong GD-ĐT đến năm 2030; Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về tổng thể, các chính sách trên có một số mục tiêu tương đồng kế hoạch mới của Trung Quốc, như tăng cường sự hiện diện của các trường ĐH nước ngoài danh tiếng, phát triển số lượng sinh viên quốc tế, tập trung phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số hay khát vọng trở thành trung tâm giáo dục... Tuy nhiên cũng có nhiều điểm khác biệt, như mong muốn đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.

"Nghị quyết cùng các quyết định mới cho thấy Chính phủ đang tạo điều kiện thuận lợi cho ĐH Việt Nam hợp tác với những đối tác nước ngoài uy tín trong hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu, công nhận văn bằng, cũng như tạo điều kiện cho ĐH nước ngoài lập phân hiệu tại Việt Nam", Hội đồng Anh, tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Anh có trụ sở ở Hà Nội và TP.HCM, nhận xét.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao