Thời tiết ngày càng bất thường, vì sao?

Trạng thái La Nina yếu

Trưa qua 1.4, người dân ở TP.HCM bất ngờ khi liên tục nghe nhiều tiếng sấm to, một vài nơi còn kèm theo mưa giông. Bất ngờ vì đây là giai đoạn cao điểm nắng nóng ở Nam bộ, thời tiết hết sức oi bức. Thực ra, từ sáng sớm hôm qua, hiện tượng thời tiết dị thường đã xuất hiện khi bầu trời mù đục, âm u như sắp mưa nhưng không khí nặng nề, ngột ngạt kéo dài gần như cả ngày. Đến chiều tối, mưa rải rác ở nhiều nơi và bầu trời vẫn màu xám mù như sương giăng.

Thời tiết ngày càng bất thường, vì sao?- Ảnh 1.

Giữa mùa khô, bầu trời TP.HCM lại xuất hiệnmây giông sấm chớp kéo dài cả ngày như đang mùa mưa

ẢNH: CHÍ NHÂN

Nhưng cũng từ khá lâu, người dân TP dần ít đặt câu hỏi "sương mù hay bụi mịn" mỗi khi bầu trời như thế này. Bởi nhiều năm qua, TP.HCM đã có những ngày ô nhiễm, bụi mịn khiến không khí trắng đục như sương giăng. Hôm qua cũng là một ngày tương tự.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh ở phía bắc khuếch tán xuống Nam bộ khiến nền nhiệt độ thấp nhất khoảng 25 - 26 độ C và cao nhất 31 - 32 độ C. Những ngày trước đó, mưa trái mùa đã xuất hiện rải rác cũng khiến độ ẩm trong không khí tăng cao. Độ ẩm cao và nhiệt độ thấp khiến các hạt bụi mịn trong không khí không khuếch tán, tạo thành một lớp màng màu trắng đục bao trùm cả thành phố. Nhìn từ xa, nhiều tòa nhà cao tầng như chìm trong màn không khí ô nhiễm. Trước đây, hiện tượng này thường xuất hiện vào giai đoạn cuối năm thay vì giữa mùa khô như năm nay. Trên ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí trực tuyến IQAir, nhiều trạm đo ở mức cảnh báo đỏ. Mức độ ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng và toàn bộ chuyển sang mức cảnh báo đỏ vào giữa trưa khi các hoạt động kinh tế, xã hội trở nên sôi động hơn.

Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ (Đài Nam bộ), cho biết: Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4.2025, TP.HCM và một số tỉnh thành Nam bộ xuất hiện mưa trái mùa nhưng phân bố không đều, phổ biến từ 10 - 20 mm. Cá biệt, tính đến 15 giờ 30 ngày 1.4, tổng lượng mưa tại đảo Hòn Lớn (Kiên Giang) lên đến 101,1 mm. Mưa còn kéo dài sang ngày 2.4. Về cơ bản, trong mùa khô vẫn xuất hiện những đợt mưa trái mùa và lượng mưa ghi nhận được cũng không quá bất thường. Dù dương lịch bước sang tháng 4 nhưng âm lịch cũng chỉ mới đầu tháng 3, nên vẫn có những đợt không khí lạnh là bình thường. Miền Bắc vẫn xảy ra những đợt rét muộn, dân gian gọi là rét nàng Bân.

Nắng, mưa, giông sét giữa mùa khô: Thời tiết ngày càng bất thường?

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, giải thích: Năm nay nắng nóng và đặc biệt là nắng nóng gay gắt trên diện rộng ít hơn và mưa trái mùa nhiều hơn. Trong tháng 4, không khí lạnh ở phía bắc có khả năng tiếp tục tăng cường xuống nước ta. Nguyên nhân do thời tiết đang ở trạng thái La Nina yếu. Trước đây một số cơ quan dự báo thời tiết cho biết La Nina đã kết thúc, nhưng những dự báo mới nhất cho thấy nó "chưa chết hẳn" và vẫn còn tồn tại dù khá yếu. Vào những năm có La Nina mạnh thì không khí lạnh có thể kéo dài đến cuối tháng 4, thậm chí đầu tháng 5 nhưng cường độ nhẹ và ngắn. Do ảnh hưởng của La Nina lên rãnh áp thấp xích đạo gây mưa trái mùa, dịch lên phía bắc gần với Nam bộ hơn thay vì nằm gần đường xích đạo như bình thường. Rãnh thấp này kết hợp với nhiễu động thời tiết ngoài Biển Đông gây mưa trái mùa nhiều hơn thông thường.

"Có khả năng cuối tháng 5 La Nina mới kết thúc và chuyển sang trạng thái trung tính trong tháng 6 - 7. Đây là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến thời tiết giai đoạn sắp tới", bà Lan dự báo.

Có khả năng cuối tháng 5 La Nina mới kết thúc và chuyển sang trạng thái trung tính trong tháng 6 - 7. Đây là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến thời tiết giai đoạn sắp tới.


Th.S Lê Thị Xuân Lan (chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn)

Khi nào bắt đầu mùa mưa?

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Trong 10 ngày đầu tháng 4, không khí lạnh có khả năng tiếp tục hoạt động mạnh hơn so với trung bình nhiều năm, sau đó mới yếu dần. Giai đoạn giữa và cuối tháng 4, nắng nóng có xu hướng hoạt động mạnh dần ở tây Bắc bộ, Trung bộ; cần đề phòng nắng nóng gay gắt. Tại khu vực Nam bộ, nắng nóng tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh miền Đông và xu hướng mở rộng sang các tỉnh Tây nguyên và tây Nam bộ. Tháng 4 cũng là giai đoạn chuyển mùa nên cần đề phòng giông, lốc, sét và mưa đá có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước.

Thời tiết ngày càng bất thường, vì sao?- Ảnh 2.

Năm nay, mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên. Mùa mưa dự báo xuất hiện sớm vào đầu tháng 5

ẢNH: CHÍ NHÂN

Ông Lê Đình Quyết dự báo trong tháng 4 tiếp tục xuất hiện một vài đợt mưa trái mùa xen giữa những đợt nắng nóng. Tuy nhiên về cơ bản, nhiệt độ tăng đáng kể so với tháng 3 và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng kỳ. Nắng nóng diện rộng và nắng nóng gay gắt xuất hiện thành nhiều đợt với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối có thể lên tới 37 - 38 độ C ở các tỉnh thành miền Đông. Số ngày nắng nóng ở miền Đông phổ biến từ 10 - 15 ngày; miền Tây khoảng 2 - 5 ngày, riêng ở ven biên giới tây nam từ 5 - 10 ngày. So với trung bình nhiều năm, số ngày xuất hiện nắng nóng ở Nam bộ có thể ít hơn từ 5 - 7 ngày.

Th.S Lê Thị Xuân Lan lưu ý trong tháng 4 là sự tranh chấp gay gắt giữa áp thấp nóng phía tây từ khu vực Ấn Độ - Myanmar tràn sang và các đợt mưa trái mùa ở miền Nam, còn ở miền Bắc là các đợt không khí lạnh. Chính sự tranh chấp giữa những hình thái thời tiết này tạo nên sự chênh lệch nhiệt độ cao ở các tỉnh phía bắc, đặc biệt là vùng núi; ở Nam bộ là sự oi bức do độ ẩm cao nên cảm giác rất khó chịu. Kiểu thời tiết này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân, do vậy mọi người nên lưu ý bảo vệ sức khỏe. Đối với Nam bộ, từ giữa tháng 4, trên vịnh Bengal có khả năng xuất hiện một áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão. Dù không ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta nhưng nó sẽ tạo điều kiện cho gió tây nam hoạt động và phát triển gây mưa chuyển mùa cho các tỉnh thành Nam bộ và Tây nguyên. Vào giai đoạn này, do sự thay đổi các hình thái thời tiết và tranh chấp nhiệt độ giữa các khối không khí nên rất dễ sinh ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là giông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh...

"Ở Nam bộ sẽ bước vào mùa mưa khoảng đầu tháng 5. Đối với TP.HCM, mùa mưa có thể bắt đầu trong giai đoạn giữa tháng 5. Trên khu vực tây Thái Bình Dương, mùa mưa bão có thể bắt đầu từ cuối tháng 5, sớm hơn trung bình nhiều năm và số cơn bão có khả năng xuất hiện nhiều hơn", Th.S Lê Thị Xuân Lan dự báo. 

Bình Dương xuất hiện mưa đá, nhiều nơi rét đậm rét hại

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng ghi nhận tình trạng thời tiết bất thường ở nhiều nơi trên cả nước: Tại Nam bộ xuất hiện mưa đá vào ngày 12.3 tại TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Trong cả tháng 3 năm nay ở Nam bộ chỉ xuất hiện một đợt nắng nóng diện rộng kéo dài từ ngày 11 - 15.3, với mức nhiệt cao nhất ngày phổ biến từ 35 - 37 độ C. So với trung bình nhiều năm, tình trạng nắng nóng ít gay gắt hơn. Trong khi đó, có đến 3 đợt không khí lạnh từ phía bắc tăng cường xuống nước ta gây nên rét đậm, rét hại với mức nhiệt thấp nhất nhiều nơi xuống dưới 10 độ C như: Đồng Văn (Hà Giang) 8,7 độ C; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 8,8 độ C; đặc biệt Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 4 độ C...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao