Chiều 1.4, TP.HCM có mưa trái mùa ở nhiều quận như: Q.3, Q.1, Q.Bình Thạnh, Q.Phú Nhuận, TP.Thủ Đức... Cơn mưa trái mùa với lượng mưa nhỏ, mặt đường có lớp bụi nên khá trơn trượt, một số người đi xe máy bị té ngã.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, cơn mưa trái mùa chiều nay và đợt mưa trái mùa mấy ngày qua ở TP.HCM không bất thường. Nguyên nhân mưa là do rãnh áp thấp xích đạo có vị trí khoảng 6 - 8 độ vĩ bắc duy trì.
Đồng thời trên rãnh áp thấp này hình thành một vùng nhiễu động trên khu vực nam Biển Đông xu hướng di chuyển về phía đất liền Nam bộ. Do đó, trời nhiều mây, mặt trời bị mây che phủ, không có nắng. Trong không khí độ ẩm không khí cao, mây tầng thấp nhiều, gió nhẹ làm cho trời mù mịt, tầm nhìn ngang giảm, mưa xuất hiện.
"Trong mùa khô vẫn thỉnh thoảng hình thành rãnh áp thấp, hoặc vùng nhiễu động, hoặc nhiễu động từ gió đông trên tầng cao, gây ra trận mưa trong mùa khô, đây là diễn biến bình thường", đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thông tin.
Mưa trái mùa ở Nam bộ thường thế nào?
Theo cơ quan khí tượng, chuỗi số liệu nhiều năm cho thấy, tổng lượng mưa trung bình tại Nam bộ dao động từ 20 - 30 mm, những nơi có tổng lượng mưa tháng 3 nhiều gồm: các tỉnh miền Đông và TP.HCM với tổng lượng mưa từ 45 - 55 mm, số ngày mưa dao động trung bình khoảng 2 ngày.
Tháng 3 năm 2025, số liệu các trạm khí tượng (trạm cơ bản) đều cho thấy tổng lượng mưa tại các trạm trong khu vực hụt so với trung bình nhiều năm, những nơi hụt nhiều như: Đồng Xoài (Bình Phước) -54,5 mm, Rạch Giá (Kiên Giang) -41,6 mm, Tân Sơn Hòa (trạm đặt ở Q.Tân Bình, TP.HCM) -29,6 mm. Các trạm có tổng lượng mưa tháng 3 vượt so với trung bình nhiều năm gồm: Trị An (Đồng Nai) 9,4 mm, Sở Sao (Bình Dương) 41,9 mm, Cà Mau 44,8 mm, Ba Tri (Bến Tre) 2,2 mm.

TP.HCM mù mịt cả ngày và có mưa trái mùa vào buổi chiều
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Nắng, mưa, giông sét giữa mùa khô: Thời tiết ngày càng bất thường?
Theo số liệu trung bình nhiều năm, tổng lượng mưa tháng 3 tại trạm Tân Sơn Hòa là 30 mm, Nhà Bè (TP.HCM) 5,6 mm.
Cơ quan khí tượng thông tin, trong chuỗi số liệu từ năm 1995 - 2025, có 10 năm không mưa tại trạm Tân Sơn Hòa, có 3 năm có mưa lượng dưới 1 mm, các năm mưa nhiều gồm 1999 (76,6 mm), 2000 (86 mm), 2001 (136 mm). Năm có số ngày mưa nhiều gồm 2000 (8 ngày), 2001 (7 ngày), 2011 (9 ngày).
So sánh các điểm đo mưa tại TP.HCM và trạm Tân Sơn Hòa thấy rằng, mưa trên địa bàn TP.HCM phân bố không đều, một số trạm đo có tổng lượng mưa và số ngày mưa tương đương giá trị trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, có những địa điểm như: Nhà Bè, Thủ Đức, Cần Giờ, Bình Chánh mưa chỉ diễn ra 1 - 2 mm, thấp hơn nhiều so với trạm Tân Sơn Hòa.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2025, thời tiết tại một số tỉnh Nam bộ và TP.HCM xuất hiện mưa, thậm chí ngày 1.4 tính đến 15 giờ 30 phút, tổng lượng mưa tại đảo Hòn Lớn (Kiên Giang) là 101,1 mm, một số nơi khác cũng có lượng mưa từ 10 - 20 mm. Dự báo, sang ngày 2.4, mưa vẫn còn diễn ra mưa.