Ngày 1.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với T.Ư Đoàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2024.
Cần có chính sách hỗ trợ tài năng trẻ
Chủ trì buổi làm việc có ông Đinh Công Sĩ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội; anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam.
Ông Đinh Công Sĩ cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, T.Ư Đoàn có đề xuất gì để thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng cao.
Báo cáo về công tác này, T.Ư Đoàn cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2024, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với T.Ư Đoàn
ẢNH: KHÁNH DƯƠNG
Các cấp bộ Đoàn tích cực phối hợp tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền cơ chế, chính sách hỗ trợ tài năng trẻ, nhân lực trẻ chất lượng cao, như: cơ chế, chính sách về giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên; chính sách thu hút và sử dụng tài năng trẻ; chính sách hỗ trợ, vay vốn tín dụng sinh viên…
Việc phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng, tạo môi trường để các tài năng trẻ, nhân lực chất lượng cao cống hiến, trưởng thành được các cấp bộ Đoàn chú trọng triển khai, góp phần khuyến khích, động viên và tạo môi trường để tuổi trẻ nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống.
Thông qua đó, nhiều gương điển hình trong thanh niên, nhiều tài năng trẻ trên các lĩnh vực đã được Đoàn phát hiện, tập hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để cống hiến cho đất nước.

Anh Nguyễn Quốc Huy, Chánh văn phòng T.Ư Đoàn, báo cáo tại buổi làm việc
ẢNH: KHÁNH DƯƠNG
Tại buổi làm việc, T.Ư Đoàn đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các ngành mũi nhọn như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu; đẩy mạnh việc giám sát thực hiện chính sách phát triển nhân lực trẻ tại các địa phương để đảm bảo hiệu quả thực thi.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển nhân lực trẻ chất lượng cao giai đoạn 2025 - 2045 với các mục tiêu cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực trẻ; xây dựng các cơ chế hỗ trợ tài chính cho thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong đào tạo nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế số.
Thiếu cơ chế giữ chân nhân tài
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng hiện nay chính sách phát triển, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực còn hạn chế: thiếu cơ chế giữ chân nhân tài; thiếu phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo; chậm đổi mới sử dụng nguồn nhân lực khu vực công; tỷ lệ thanh niên chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật chiếm tới 60%... Bên cạnh đó, tỷ lệ học phí tăng cao do tự chủ đại học, khiến nhiều sinh viên không tiếp cận được ngành học mong muốn.

Chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên trường học T.Ư Đoàn, nêu ý kiến tại buổi làm việc
ẢNH: KHÁNH DƯƠNG
Ông Đinh Công Sĩ đặt câu hỏi và muốn các đại biểu T.Ư Đoàn cho ý kiến về dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian tới như thế nào, có tăng lên không?
Các đại biểu cho biết, quý 4/2024 tỷ lệ thất nghiệp đã tăng cao hơn và xu hướng sẽ tăng. Đặc biệt, các đại biểu đánh giá, hiện nay Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030" và Chiến lược phát triển thanh niên (giai đoạn 2021 - 2030) đang chậm được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương; có địa phương còn "giao khoán" cho tổ chức Đoàn khiến những chính sách này chưa phát huy hiệu quả…

Ông Đinh Công Sĩ kết luận buổi làm việc
ẢNH: KHÁNH DƯƠNG
Kết luận buổi làm việc, ông Đinh Công Sĩ ghi nhận những kết quả của T.Ư Đoàn đã thực hiện được trong thời gian vừa qua, trong đó có việc phát huy tài năng trẻ để cống hiến cho đất nước, có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên hiệu quả trong hướng nghiệp, việc làm, khởi nghiệp, lập nghiệp...
Ông Sĩ cho rằng, tình trạng thanh niên thất nghiệp cần trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt, vấn đề nhiều thanh niên chưa qua đào tạo chuyên môn cần có giải pháp khắc phục.
Theo ông Sĩ, các ý kiến tại buổi làm việc sẽ được đoàn giám sát nghiên cứu, đề xuất để hoàn thiện chính sách trong thời gian tới, trong đó có thể cần xây dựng đề án mới để phát triển nguồn nhân lực.