Theo đó, khu đất được UBND Q.Tân Bình lựa chọn để làm đô thị nén dọc metro có diện tích 5,1 ha, nằm tại số 446 - 448 đường Hoàng Văn Thụ, ngay sát nhà ga Bảy Hiền - một trong những ga trung chuyển quan trọng trên tuyến metro số 2. Đây là khu đất do nhà nước quản lý, là trụ sở cơ quan, tổ chức nên không phải giải phóng mặt bằng, thuận lợi cho việc xây dựng mới.

Các quận đang khảo sát và lần lượt công bố quỹ đất làm đô thị nén dọc tuyến metro số 2
ẢNH: NHẬT THỊNH
Trong quý 2 và quý 3 năm nay, Q.Tân Bình sẽ lập điều chỉnh quy hoạch. Sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch được duyệt sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư vào cuối năm.
Tương tự, đối với khu vực Q.10, dự án TOD được chọn nằm tại tại khu C30, phường 14. Khu vực này cũng thuận lợi trong việc thu hồi giải phóng mặt bằng vì đất do Nhà nước trực tiếp quản lý. Hiện nay, UBND Q.10 đang giao các phòng ban rà soát pháp lý đất, chuẩn bị quỹ đất để thực hiện dự án TOD tại khu vực trên sau điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt theo quy hoạch.
Theo kế hoạch thực hiện của UBND quận, khu đất trên sẽ được điều chỉnh quy hoạch trong 2 quý 2 và quý 3, sau đó thực hiện lựa chọn nhà đầu tư trong quý 3, quý 4. Cuối năm 2025 sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự án.
Trước đó, UBND Q.Tân Phú đã lựa chọn khu đất số I/82A tại phường Tây Thạnh, diện tích 26 ha, để phát triển khu vực TOD. Hiện nay, phần lớn diện tích đất tại đây vẫn còn trống hoặc đang được sử dụng tạm thời cho các mục đích như rạp chiếu phim, kho bãi. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương tiến hành thu hồi và giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án.
Việc triển khai mô hình TOD tại Tân Phú nằm trong tổng thể quy hoạch dọc tuyến metro số 2, góp phần hình thành chuỗi đô thị vệ tinh, gia tăng kết nối giữa các quận và giảm áp lực cho khu vực trung tâm TP.HCM.
Theo số liệu từ Sở Xây dựng TP.HCM, quỹ đất tiềm năng phát triển theo mô hình TOD tại TP.HCM hiện còn khoảng 32.000 ha thuộc các khu vực đất nông nghiệp, đất trống không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng tới dân cư hiện trạng; khoảng 9.000 ha thuộc các khu đất công nghiệp, sản xuất, đất chuyển đổi chức năng; 23.000 khu vực đất khuyến khích tái phát triển gắn với TOD thuộc các khu vực hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang có dân cư hoặc các khu chức năng hiện tại.
Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận, nếu có thể tận dụng hiệu quả quỹ đất để triển khai các mô hình TOD thành công gắn với sự phát triển của đường sắt đô thị, TPHCM có thể vừa giảm sử dụng xe cá nhân, giảm thời gian di chuyển, vừa tăng giá trị bất động sản gần các nhà ga, từ đó tăng trưởng kinh tế thông qua sử dụng đất hiệu quả...
Trong mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch của TP.HCM, metro số 2 là tuyến xuyên tâm dài nhất với tổng chiều dài toàn tuyến 48 km. Hiện tại, dự án xây dựng tuyến metro số 2 đang được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km, có 9,2 km đi ngầm, phần còn lại trên cao. Khi hoàn thành, tuyến sẽ kết nối khu vực trung tâm thành phố với phía tây bắc, góp phần giảm áp lực giao thông cho các trục đường chính như Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh, Cộng Hòa…
TP.HCM đặt kế hoạch giữa năm nay dự án sẽ được hoàn tất khảo sát, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và hồ sơ nghiên cứu khả thi để thẩm định; duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 9, sau đó chọn nhà thầu và khởi công trong tháng 12.