Quý 1/2025, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM tăng 7,5%
Chiều 2.4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ quý 1/2025, thảo luận các giải pháp trọng tâm quý 2/2025. Đến dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1/2025 ước đạt hơn 457.600 tỉ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. "Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay", bà Mai cho hay.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2025 tăng 6,8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hơn 316.600 tỉ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước ước đạt 11,7 tỉ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15,6 tỉ USD, tổng thu du lịch ước đạt 56.662 tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ...
Trong quý 1/2025, tổng thu ngân sách TP.HCM khoảng 151.100 tỉ đồng, đạt 29% dự toán; trong đó thu nội địa 123.368 tỉ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 27.728 tỉ đồng. Về đầu tư công, số liệu của Kho bạc Nhà nước Khu vực 2 tính đến hết tháng 3.2025, TP.HCM giải ngân 4.556 tỉ đồng, đạt 5,4% kế hoạch.

Toàn cảnh phiên họp kinh tế - xã hội quý 1/2025 của UBND TP.HCM
ẢNH: CỔNG TTĐT TP.HCM
Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM, đánh giá TP.HCM có sự khởi đầu quý 1/2025 tốt hơn các thành phố trong cả nước, như Hà Nội chỉ tăng 7,35% còn Cần Thơ tăng 7,15%, các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ cũng tăng trưởng thấp.
Kết quả này đến từ sự tăng trưởng của ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Riêng ngành xây dựng tăng trưởng cao nhất nhưng chưa bứt phá như trước dịch Covid-19. Ngành công nghiệp tăng 7%, chưa như kỳ vọng do giá nguyên vật liệu đầu vào cao, hợp đồng xây dựng mới chưa nhiều.
Đối với ngành dịch vụ, ông Hoàng cho biết đây là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế TP.HCM. Với tỷ lệ 8,72%, đây là mức tăng trưởng ngành dịch vụ cao nhất 7 năm qua, tập trung các lĩnh vực vận tải, du lịch, bất động sản.
Đề xuất khoán tăng trưởng kinh tế cho sở ngành
Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM đánh giá địa phương có một số điểm sáng như sự phục hồi tốt của thuế thu nhập cá nhân, tín dụng và dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt, quy mô dự án đầu tư nước ngoài có xu hướng cao hơn (khoảng 0,53 triệu USD/dự án).
Dù vậy, TP.HCM chưa có đòn bẩy kích thích tăng trưởng, vẫn dựa vào các động lực truyền thống là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư công. Để đạt mức tăng trưởng 8,5% vào năm 2025, ông Hoàng cho biết tăng trưởng 6 tháng phải đạt 8,61%, nên quý 2/2025 cần tăng tốc để bù đắp khả năng suy giảm kinh tế thế giới vào quý 4.

Tăng trưởng kinh tế quý 1/2025 của TP.HCM cao nhất từ năm 2020 đến nay
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết theo dự báo từ đầu năm, quý 1/2025 cần tăng trưởng 8,38 - 8,54% và kéo dài liên tục thì cuối năm mới đạt 8,5%.
Nhìn vào các thách thức, ông Vũ nhìn nhận để tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn thì không có cách nào bằng việc kích tổng cầu. Dù vậy, giải ngân đầu tư công quý 1/2025 chỉ đạt 5,4%, chưa đạt so với chỉ tiêu 7% đã đề ra.
Về đầu tư tư nhân, ông Vũ cho biết phụ thuộc vào đầu tư công, môi trường kinh doanh, đất đai, phương thức đầu tư. Bên cạnh đó, tăng trưởng của TP.HCM gắn liền chặt chẽ với tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ, nếu các tỉnh xung quanh chưa tốt thì thành phố sẽ bị ảnh hưởng.
Về dài hạn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định cần tập trung phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra hàng trăm ngàn doanh nghiệp mới và ngày càng lớn mạnh lên.
Ông Vũ cũng bày tỏ sự lo ngại khi nhìn vào số liệu doanh nghiệp phá sản và thành lập mới trong quý 1/2025, đồng thời đề xuất cần nghiên cứu sâu hơn vì sao doanh nghiệp ngừng hoạt động để có bức tranh rõ hơn về hoạt động doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chuyên gia này đề xuất khoán tăng trưởng cho các sở ngành, địa phương cũng như giao việc lớn cho các doanh nghiệp tư nhân.