Tiết kiệm điện ở nhà tôi

Trong gia đình tôi, trước kia ba và anh trai hay trêu mẹ tôi vì sao cứ dán các khẩu hiệu nhớ tắt điện, tắt quạt, máy lạnh trước khi rời phòng, đừng mở cửa tủ lạnh khi không cần thiết…Nhưng sau này, tôi vui mừng vì thói quen đó đã giúp tôi thích nghi cuộc sống nơi xứ người khi là một sinh viên đi trao đổi, học tập ở nước ngoài.

Gia đình tôi gồm có 4 người, sinh sống ở quận 12, TP.HCM. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nuôi dưỡng trong môi trường với đủ thứ tiện nghi: ngủ phòng máy lạnh, giặt quần áo bằng máy, ti vi, tủ lạnh...

Thế nhưng, đôi lúc tôi không hiểu vì sao đủ tiện nghi vậy mà ba mẹ cứ thích mở toang cửa để gió lùa vào cho mát thay vì bật điều hòa. Tôi càng không hiểu vì sao mẹ luôn không bật đèn trong phòng khách mà cứ tận dụng ánh sáng mặt trời chừng nào tốt chừng nấy. Máy giặt sẵn có, nhưng cứ cuối tuần, mẹ lại kêu anh em chúng tôi mang khăn vải trải bàn, phủ tủ lạnh mang ngâm và dạy chúng tôi giặt bằng tay.

Anh tôi cũng hay thắc mắc vì sao cái cửa cuốn hoàn toàn có thể tự động mà thỉnh thoảng anh lại thấy mẹ quay bằng tay. Những lúc ấy mẹ cứ nói nhẹ nhàng: "Khi học khi làm việc mới cần đủ ánh sáng để bảo vệ mắt. Nhưng khi mẹ nấu ăn thì mở cửa sổ, cho phòng thoáng khí, ánh sáng tự nhiên cũng vừa đủ cho mẹ rồi. Lúc mẹ ủi đồ, hay quay tay cửa nhà, là lúc mẹ tập vận động cho các cơ khỏe khoắn. Nên ủi áo quần, thì không bật điều hòa, cửa quay tay được thì không cần bật công tắc…".

Mẹ cứ giải thích vậy khi có ai thắc mắc sao không dùng điện. Với ba tôi, mẹ luôn nói đúng và yêu cầu cả nhà cùng chấp hành "lệnh" của mẹ.

Tiết kiệm điện ở nhà tôi - Ảnh 1.

Chi Đoàn Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNSPC đạp xe tuyên truyền, lan tỏa thông điệp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường ngày 18.3 vừa qua

ẢNH: EVNSPC

Tôi còn nhớ khi đó là khoảng đầu những năm 2010, khi biết ngành điện phát động phong trào gia đình tiết kiệm điện, cũng là lúc mẹ tôi chính thức quản lý gia đình. Mẹ bắt đầu dán các khẩu hiệu khắp nơi như: "Tắt quạt, tắt đèn khi ra khỏi phòng"; "Hạn chế mở tủ lạnh nếu không cần thiết"; "Khóa kỹ vòi nước"; "Rút phích cắm sạc điện thoại sau khi dùng xong"… Để các câu khẩu hiệu lạnh lùng đó được mọi người vui vẻ đọc và thực hiện theo, mẹ dán chúng trên các bông hoa hoặc các con thú có hình thù vui nhộn. Mẹ giải thích: "Do trước đây sống cùng ông bà, mọi chi tiêu trong gia đình mẹ không để ý. Đến khi có nhà riêng, mẹ mới thấy điện là một khoản chi không nhỏ và có thể giảm bớt khi biết dùng tiết kiệm". Vậy là cả nhà tôi cùng tiết kiệm điện thôi.

Khi ba cha con ý thức tự tắt đèn, quạt, gỡ các cục sạc khỏi ổ điện lúc dùng xong, mẹ tôi rất hài lòng. Mẹ theo dõi điện năng trong nhà và còn mạnh dạn nói ba đổi nồi cơm điện, máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh mới. Thật ra không phải mẹ tôi xài sang, nhưng do trước đây cuộc sống khó khăn, bà con, họ hàng, ai xả ra thiết bị, máy móc gì mà trong nhà chưa có, mẹ cứ xin, khuân về, hay mua lại với giá rẻ. Những đồ dùng cũ kỹ ấy giúp nhà cửa tiện nghi, giúp mẹ đỡ tay chân. Nhưng đồng thời cũng làm tăng vọt chi tiêu về điện.

Hiểu ra điều này khi đi dự chương trình tuyên truyền, hướng dẫn "An toàn tiết kiệm điện" ở khu phố, mẹ tôi về thuyết phục ba, từ từ đổi mới các thiết bị, đồ dùng điện trong nhà. Từ cái nồi cơm điện thay phích cắm mấy lần, cho tới cái máy xay sinh tố kêu è è như hết sức kéo… Ba mẹ thay dần từng thiết bị sau mỗi đợt lãnh thưởng năm, nửa năm, lễ, tết… Loại nào mẹ cũng nghiên cứu xem có nhãn xanh, có "inverter" không rồi mới quyết cho ba tôi mua hay không.

Nhờ vậy vật giá tăng, giá điện tăng mà từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi dùng điện không tăng bao nhiêu. Ba tôi vẫn tâm đắc khen sáng kiến tiết kiệm của mẹ.

Còn tôi, sau này khi đi trao đổi sinh viên ở Pháp và dễ dàng thích nghi với cuộc sống ở Troyes, nơi mà mọi đồ dùng điện đều bắt buộc phải ngắt khi ra khỏi phòng, không chỉ để tiết kiệm mà còn vì an toàn, nếu không còn bị xử phạt rất nặng, tôi mới thầm cảm ơn không biết bao lần những thói quen dùng điện mà mẹ đã "huấn luyện" cho tôi..

Năm nay, ngành điện miền Nam kỷ niệm 50 năm từ ngày tiếp quản hệ thống điện. 50 năm chặng đường dài của ngành điện lực miền Nam không ít gian truân, không phải lúc nào nguồn điện cũng đủ đầy. Tuy vậy, để có đủ điện phủ ánh sáng về khắp miền quê, xa xôi hẻo lánh, không thể không nhắc tới nỗ lực tuyên truyền tiết kiệm điện của ngành và thông hiểu, ý thức chấp hành tiết kiệm điện của người dân.

Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.

- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao