Giá USD 'căng' trở lại

Ngân hàng tăng giá USD lên mức kỷ lục

Các ngân hàng (NH) thương mại liên tục điều chỉnh tăng giá USD trong ngày 1.4 với tổng mức tăng 100 đồng, lên mức cao lịch sử ở 25.840 đồng/USD. Diễn biến này khá đột ngột khi một tuần trước đó, giá USD đi xuống sâu. Theo đó, NH ACB mua USD lên 25.450 - 25.480 đồng, bán ra 25.830 đồng/USD; Vietcombank mua vào lên 25.450 - 25.480 đồng, bán ra 25.840 đồng/USD… So với đầu năm, giá USD trong NH đã tăng 280 đồng, tương ứng gần 1,1%. Trên thị trường liên NH, giá USD cũng tăng vọt 75 đồng, lên 25.660 đồng/USD, đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Giá USD 'căng' trở lại- Ảnh 1.

Giá USD tăng lên mức cao kỷ lục

ẢNH: NGỌC THẮNG

Ngược lại, giá USD trên thị trường thế giới lại có xu hướng giảm. Ngày 1.4, chỉ số USD - Index giảm 0,14 điểm xuống còn 104,06 điểm. Những lo ngại mới về tăng trưởng của Mỹ đã dẫn đến sự suy giảm của USD gần đây, khi thị trường ngày càng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất (LS) nhiều hơn trong năm nay. Hầu hết các đồng tiền châu Á đều suy yếu hơn so với USD trong thời gian gần đây, trong đó có tiền đồng (VND).

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận xét giá USD không thể đứng yên khi cả thế giới đang quan sát những động thái trước khi Mỹ áp thuế quan hàng nhập khẩu từ các nước. Mỹ là đối tác có kim ngạch thương mại song phương lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) của VN, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu). Giá USD tăng sẽ là một trong những yếu tố giúp giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và VN. Hơn nữa, trong 2 tuần cuối tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài đã bán mạnh trên thị trường vốn. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước mua 1,2 tỉ USD từ các NH trong 1,5 tháng qua cũng làm nhu cầu ngoại tệ trên thị trường tăng lên. 

Thêm vào đó, NH Nhà nước (NHNN) đang ưu tiên mục tiêu tăng trưởng nên các giải pháp đưa ra là giảm LS, hỗ trợ nền kinh tế. Thời gian qua, NHNN liên tục bơm tiền trên thị trường mở. Chẳng hạn ngày 1.4, nhà điều hành bơm ra thị trường hơn 18.640 tỉ đồng ở 2 kỳ hạn 7 và 14 ngày. Điều này phần nào giúp LS liên NH cuối tháng 3 giảm từ 0,5 - 1,2%/năm so với đầu tháng 3, dao động từ 3,53 - 5,55%/năm. Đối với những kỳ hạn ngắn, LS USD hiện cao hơn tiền đồng khoảng 0,5%/năm. Ông Minh cảnh báo, LS USD cao hơn tiền đồng sẽ khiến tình trạng găm giữ ngoại tệ xuất hiện.

USD tăng là không thể tránh khỏi

Theo NH UOB, một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND, bao gồm triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của NHNN trong việc đảm bảo "ổn định tỷ giá".

Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam, cho rằng doanh thu xuất khẩu của VN có thể bị ảnh hưởng nếu bị Mỹ áp thuế, cũng như áp lực lên tỷ giá USD/VND khi USD liên tục tăng mạnh. Nhằm hạn chế những tác động, ông Hưng đề xuất VN cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. 

Song song đó, VN cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội tại như tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. UOB dự báo tỷ giá sẽ ở mức 25.800 đồng/USD trong quý 2, lên 26.000 đồng/USD trong quý 3, xuống lại mức 25.800 đồng/USD trong quý 4/2025 và 25.600 đồng/USD trong quý 1/2026.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng phải chấp nhận giá USD tăng lên trong thời gian tới, dự báo có thể lên 26.000 đồng. Trong trường hợp chính sách thuế quan giữa Mỹ và các nước vẫn diễn ra căng thẳng, kinh tế Mỹ sẽ chịu lạm phát cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định cắt giảm LS USD của Fed trong thời gian tới. Việc giảm LS tiền đồng cũng như hạ nhiệt tỷ giá trong nước cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. "Trong năm 2024, NHNN đã dùng dự trữ ngoại hối bán can thiệp thị trường nên nguồn ngoại tệ hiện nay không mấy dồi dào để sử dụng biện pháp này. Chính vì vậy, giá USD tăng lên là cần thiết trong bối cảnh giảm LS tiền đồng", ông Minh nhận định.

Đánh giá giai đoạn hiện nay là "bất định", ông Vũ Bình Minh, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và sản phẩm LS, NH HSBC VN, phân tích: Nếu Fed chưa cắt giảm LS rõ rệt, chênh lệch LS USD và VND vẫn ở mức cao sẽ góp phần tạo áp lực lên tỷ giá. Nhưng nếu Fed hạ LS nhanh hơn, kinh tế thế giới bên ngoài Mỹ tăng trưởng tốt hơn khi các xung đột địa chính trị dừng lại, dòng vốn đầu tư quay lại thị trường, đặc biệt với tiềm năng thị trường VN được nâng hạng, thì những sức ép nêu trên sẽ được cân bằng.

"Để đảm bảo dòng tiền được cân đối cũng như giảm thiểu rủi ro từ thị trường, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phòng vệ rủi ro thông qua sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, LS một cách hợp lý. Bên cạnh đó, kết hợp các kịch bản về diễn biến tỷ giá, LS cũng như định hướng điều hành chính sách vào kế hoạch kinh doanh và đầu tư của mình", ông Minh lưu ý.

Giá vàng giảm từ mức cao kỷ lục

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh 800.000 đồng mỗi lượng vào đầu ngày 1.4, và đã giảm 500.000 đồng mỗi lượng sau đó. Các công ty như SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu… mua vào vàng miếng với giá 99,4 triệu đồng, bán ra 102,1 triệu đồng/lượng. Mức cao nhất trong ngày ghi nhận ở chiều mua vào - bán ra là 100,3 - 102,6 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng miếng. Giá vàng nhẫn cũng có biến động tương tự, tăng trước giảm sau. Sau khi tăng giá vàng nhẫn 800.000 đồng, mua vào lên trên 100 triệu đồng mỗi lượng, các công ty đã giảm giá thu vào 500.000 đồng. Bảo Tín Minh Châu mua vào còn 99,9 triệu đồng, bán ra 102,3 triệu đồng/lượng; Doji mua vào còn 99,3 triệu đồng, bán ra 102,1 triệu đồng/lượng; SJC mua vào 99,2 triệu đồng, bán ra 101,5 triệu đồng/lượng…

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với vàng thế giới. Sau khi đạt mức cao kỷ lục ở 3.145 USD/ounce đầu ngày, giá vàng thế giới giảm xuống còn 3.132 USD/ounce. Giá vàng trong nước hiện đắt hơn thế giới 4,6 triệu đồng/lượng.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao