Những công trình thay đổi diện mạo TP.HCM

Nơi khởi nguồn cho những công trình kỷ lục

"Hơn 10 năm trước, khi từ Hà Nội đưa tôi vào TP.HCM thi đại học, nơi đầu tiên bố tôi muốn đi là hầm Thủ Thiêm. Tôi còn nhớ lúc ngồi trên taxi chạy qua hầm, bố liên tục hỏi tài xế "Mình đang đi giữa lòng sông đúng không?", "Hầm này dài bao nhiêu thế?"… Bố tôi bảo thời đó, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là công trình hạ tầng ấn tượng nhất của TP.HCM. Sau này, khi giới thiệu với bạn bè về quãng đường đi học hằng ngày của tôi, bố vẫn bảo "Cháu nó học dưới Thủ Đức, ngày nào cũng chạy xe qua hầm Thủ Thiêm", chị Quỳnh Mai (ngụ Q.7) chia sẻ.

 - Ảnh 1.

Từ khu đầm lầy hoang vắng trước đây đã mọc lên khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu đầu tiên của VN

ẢNH: HOÀNG QUÂN

Không chỉ người từ xa đến, ngay cả với người dân TP mang tên Bác, hầm Thủ Thiêm cũng là niềm tự hào. Với tổng chiều dài 1.490 m, trong đó có 370 m gồm 4 đốt hầm dìm dưới sông, đây là hầm chui vượt sông đầu tiên và lớn nhất mà chưa nước nào trong khu vực Đông Nam Á lúc bấy giờ thực hiện được. Tham gia lễ thông xe hầm Thủ Thiêm cùng đại lộ Đông - Tây (đường Võ Văn Kiệt hiện nay) sáng 20.11.2011, thiếu tướng Trần Thành Lập, Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác năm xưa, xúc động chia sẻ với TTXVN: "Cách đây 36 năm, các chiến sĩ của ta đã rất anh dũng kiên cường chiến đấu với địch ngay bên dòng sông này và để vượt được qua sông Sài Gòn, các chiến sĩ đã mất cả 30 phút với bao nguy hiểm rình rập. Lúc đó, chúng tôi chỉ mong hòa bình lập lại, có cuộc sống ấm no chứ cũng không nghĩ lại được đứng đây, chứng kiến cảnh khánh thành hầm Thủ Thiêm với quy mô hiện đại, ngoài sức tưởng tượng này. Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH của TP ngày càng phát triển văn minh, hiện đại".

Không chỉ thiếu tướng Trần Thành Lập, nhiều người dân TP đến giờ vẫn còn nhớ như in hình ảnh con đường rộng thênh thang từ ngã ba Cát Lái về đến H.Bình Chánh dài gần 22 km tràn ngập băng rôn, cờ phướn. Từ sau năm 1975, chưa bao giờ TP.HCM trở nên đẹp và lộng lẫy hơn ngày công trình thế kỷ xuyên qua trung tâm TP nối đôi bờ Đông - Tây hoàn thành. Không chỉ mang ý nghĩa là tuyến đường xuyên tâm trọng điểm dài nhất TP giúp kết nối trung tâm TP.HCM với Thủ Thiêm, giảm tải cho cầu Sài Gòn, công trình đại lộ Đông - Tây còn tạo biến chuyển mạnh về bộ mặt đô thị khi đây là dự án có số lượng đền bù giải tỏa quy mô lớn nhất TP - 6.744 hộ và 368 cơ quan, đơn vị. Từ diện mạo lụp xụp, hàng chục ngàn cư dân sống bám dọc bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và hai bên đường Hàm Tử, Trần Văn Kiểu đã được bố trí tái định cư tới nơi ở mới tốt hơn, tiện nghi hơn, đổi lại một tuyến đường mới khang trang, rộng đẹp. Hiện TP.HCM đang tiếp tục nghiên cứu phương án kéo dài tuyến đại lộ này tới Long An, kết nối với cao tốc Trung Lương để tăng liên kết vùng.

 - Ảnh 2.

Tòa nhà The Landmark 81 cao nhất VN

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trước ngày khánh thành hầm vượt sông Sài Gòn hơn 1 năm, TP.HCM cũng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có tuyến đường cao tốc liên tỉnh khi thông xe cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, cao tốc TP.HCM - Trung Lương dài hơn 40 km, nối TP.HCM với 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, có vốn đầu tư tới gần 10.000 tỉ đồng. Việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc không chỉ đánh dấu bước ngoặt lớn của ngành giao thông mà còn tạo đột phá cho kinh tế Nam bộ khi xóa thế độc đạo của QL1 từ TP.HCM đi miền Tây đã xuống cấp, quá tải, "kéo" miền Tây về gần hơn với TP. Thay vì phải di chuyển 90 phút trên quốc lộ thường xuyên ùn tắc, những chuyến xe vận chuyển hàng hóa, đưa những người con miền Tây lên TP làm việc đã có thể chạy bon bon trên đường cao tốc 4 làn xe rộng đẹp, chỉ 30 phút là tới. Từ đó, một mạng lưới cao tốc kết nối từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đã và đang được TP.HCM xây mới, mở rộng, nối dài, mở rộng không gian phát triển kinh tế.

Suốt 50 năm qua, TP.HCM đã lần lượt tạo nên những công trình kỷ lục như: tòa nhà The Landmark 81 - tại thời điểm khai trương không chỉ trở thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á mà còn đột phá các kỷ lục khác như tầng quan sát cao nhất VN, căn hộ cao nhất VN và nhà hàng, quán bar cao nhất Đông Nam Á; hay cầu Phú Mỹ là một trong những cây cầu dây văng có phần kỹ thuật dây văng hiện đại nhất thế giới; tuyến metro số 1, tuyến đường sắt đô thị có đoạn đi ngầm đầu tiên của VN...

Từ những vùng đầm lầy thành khu đô thị đáng sống

Với những người đã gắn bó với TP.HCM gần cả đời người như ông Phan Chánh Dưỡng (trước đây là một thành viên trong "nhóm thứ sáu" gồm những trí thức giàu tâm huyết), khó có thể hình dung khu Nam TP.HCM có thể trở thành một đô thị phát triển, được mệnh danh là "khu nhà giàu" như hiện nay. Ông Dưỡng nhớ lại: Những năm sau 1975, một phần của H.Nhà Bè xưa, nay là Q.7 chỉ là vùng đầm lầy, hoang vu với giao thông đi lại rất khó khăn, chủ yếu là đường thủy nối liền từ trung tâm TP ra H.Cần Giờ và các tỉnh phía tây. Lúc này kinh tế địa phương kém phát triển, lao động làm việc trong ngành công nghiệp những năm 1990 chỉ chiếm 0,7%, thương mại - dịch vụ chủ yếu là buôn bán nhỏ dưới dạng hộ tiểu thương. Đây là khu vực có trình độ lao động chuyên môn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của TP lúc bấy giờ.

 - Ảnh 3.

Đại lộ Đông - Tây thênh thang, nay là đường Võ Văn Kiệt

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên với khát vọng làm đòn bẩy cho phát triển kinh tế vùng, nhiều chuyên gia kinh tế trong "nhóm thứ sáu" đã kiến nghị phát triển vùng đầm lầy phía nam thành một khu đô thị (KĐT) đáng sống, lập một khu chế xuất (KCX) để đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Khi đó, bán đảo Tân Thuận Đông, Nhà Bè (nay là P.Tân Thuận Đông, Q.7) được tính đến để thành lập KCX Tân Thuận ngày nay. Năm 1996, Công ty Phú Mỹ Hưng, liên doanh giữa Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận và Tập đoàn CT&D (Đài Loan) bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị Phú Mỹ Hưng. Đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, lộ giới 120 m, 10 làn xe, được xây dựng hoàn toàn mới băng qua vùng đất đầm lầy H.Nhà Bè (nay là Q.7), Q.8 và H.Bình Chánh. Từ đây, những nét vẽ đầu tiên của KĐT bắt đầu dần hiện thực hóa. Đến tháng 5.2018 là cột mốc đánh dấu một hành trình biến đầm lầy thành đô thị hiện đại, kiểu mẫu đầu tiên của VN, đó KĐT Phú Mỹ Hưng.

"Thành công của khu Nam không chỉ là "phần xác" đô thị mà còn bởi cái "phần hồn" trong đó là sự lan tỏa. Nếu không có KCX Tân Thuận, không có đại lộ Nguyễn Văn Linh thì có thể không có đường Đồng Văn Cống, đường Võ Văn Kiệt ngày nay; nếu không có KĐT Phú Mỹ Hưng thì toàn khu Nam Sài Gòn, thậm chí cả TP cũng chưa chắc có thể bừng sáng với nhiều KĐT, nhà cao tầng hiện đại như ngày nay. Chính những công trình này đã giúp bộ mặt TP.HCM hiện đại hơn, người dân được sống trong những ngôi nhà khang trang hơn", ông Phan Chánh Dưỡng nói.

Tương tự, trong ký ức của người Sài Gòn, Thủ Thiêm là vùng đất của đầm lầy với tên gọi là xóm Tàu Ô. Cư dân tại Thủ Thiêm những năm sau 1975 chủ yếu sinh sống nhờ vào ruộng đồng. Một bộ phận khác lại chọn nghề chèo đò làm kế sinh nhai. Năm 1996, Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM, xác định xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm bên bờ đông sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Nằm ở vị trí chỉ cách khu vực lõi trung tâm lịch sử một đoạn ngắn, đối diện sông Sài Gòn, bán đảo này được chọn là trung tâm tổng hợp mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của TP hơn 10 triệu dân cùng lượng lớn khách vãng lai và được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế, trở thành đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng giao thông cách trở, Thủ Thiêm vẫn chưa thể đột phá. Chỉ cách đây hơn 20 năm thôi, Thủ Thiêm vẫn còn nguyên sơ là vùng đầm lầy, dân cư hoang vắng. "Hồi đó đi lại khó khăn, từ Thủ Thiêm qua trung tâm TP chỉ có phương tiện duy nhất là phà. Cầu Sài Gòn ở tít mãi hướng Bình Thạnh, xa, cũng không muốn qua ở. Nhưng làm gì có tiền. Khu Thủ Thiêm bấy giờ được coi là khu người nghèo nên đất đai rẻ lắm", một người dân khu vực này chia sẻ.

Ấy vậy mà chỉ sau 1 thập niên, mọi cái đã thay đổi hoàn toàn. Năm 2007, cầu Thủ Thiêm hoàn thành, cư dân từ Q.Bình Thạnh bắt đầu di chuyển dần qua phía Q.2 (giờ là TP.Thủ Đức). Đến khi hầm Thủ Thiêm chính thức thông xe, khu vực này bắt đầu bước sang trang mới. Hàng loạt dự án nhà ở cao cấp mọc lên thần tốc, đường sá được xây mới, mở rộng sạch đẹp… Thủ Thiêm lột xác thành khu "đất vàng" chỉ người có rất nhiều tiền mới dám mơ tới.

Tiếp tục từng bước hình thành KĐT vệ tinh mới phía đông, TP.HCM khởi động loạt tuyến giao thông kết nối. Cầu Ba Son từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1) nối KĐT Thủ Thiêm trở thành điểm nhấn kiến trúc, biểu tượng mới của TP ngay sau đại dịch. Mới nhất, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn chính thức khởi công cũng kỳ vọng mang tới một kiệt tác nghệ thuật giữa lòng sông. Cầu Thủ Thiêm 3 và 4 sẽ nối Q.4, Q.7 với KĐT Thủ Thiêm cũng đang được thúc đẩy để sớm khởi công ngay trong năm tới. Thủ Thiêm đang tiến thẳng tới con đường trở thành trung tâm tài chính, kinh tế của cả khu vực.

Sẵn sàng cho giai đoạn phát triển rực rỡ phía trước

Vào TP.HCM đúng trưa 30.4.1975, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM) tự hào khi được chứng kiến trọn vẹn quá trình thay đổi và phát triển của TP.HCM 50 năm qua. Là người nghiên cứu chuyên sâu về đô thị và chính sách hạ tầng, ông Nguyên càng cảm nhận rõ nét về cuộc biến chuyển vượt trội trong phát triển hạ tầng đô thị của TP.

Ông kể: "Ngày 30.4.1975 khi tôi từ Hà Nội vào tới đây, nhà cao tầng chỉ đếm trên đầu ngón tay, cũng chỉ từ 4 - 5 đến 7 tầng là cùng. Giờ các tòa nhà cao tầng đếm không xuể, còn có những tòa cao chọc trời, trở thành biểu tượng. Đường sá cũng vậy, chúng ta có cầu dây văng Phú Mỹ, có cầu vượt sông, hầm vượt sông, có những đại lộ thênh thang 8 làn xe, có những nút giao thông 2 - 3 tầng hiện đại… Đó đều là những công trình kỹ thuật cao, kiến trúc đặc sắc, là điểm sáng tạo những bước ngoặt trong quá trình phát triển đô thị 50 năm qua của TP.HCM".

 - Ảnh 4.

Phú Mỹ Hưng trước đây chỉ là khu đầm lầy

ẢNH: PMH

 - Ảnh 5.

Phú Mỹ Hưng ngày nay là khu đô thị hiện đại, kiểu mẫu đầu tiên của VN

ẢNH: PMH

Tuy vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của TP.HCM, song TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng phải thừa nhận hạ tầng cơ sở của TP vẫn chưa phát triển theo kịp với nhu cầu và tốc độ tăng trưởng dân số. Tình trạng kẹt xe, ngập úng vẫn chưa được giải quyết, hạ tầng giao thông tăng trưởng khá thấp ở mức chỉ 10%, hệ thống giao thông công cộng triển khai còn chậm và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân TP. Ông kỳ vọng với định hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai với những đề án, dự án lớn mang tính đột phá, lãnh đạo TP sẽ quyết tâm nói được, làm được, từng bước phát triển hạ tầng đô thị TP để tiếp tục kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong quá khứ, đưa TP.HCM trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng tự hào: Đến nay, sau 50 năm, TP.HCM đã mở rộng rất nhiều, cả về chiều cao, chiều rộng và chiều sâu. Những năm đầu sau giải phóng, tòa nhà cao nhất được xây dựng năm 1980 cũng chỉ 14 tầng là khách sạn New Word. Đến nay, TP đã có tòa nhà cao đến 86 tầng và chuẩn bị có tòa nhà cao 88 tầng, trong tương lai còn cao hơn nữa. TP.HCM trước đây chỉ có 11 quận nội thành, không có quận 12 và các quận chữ. Cùng với đó, TP.HCM đã tiến ra biển với các cảng lớn nhất khu vực. Diện mạo đô thị đã phát triển với KĐT kiểu mẫu đầu tiên là Phú Mỹ Hưng và các KĐT mới.

"Với tôi, ấn tượng nhất là sự đổi đời của người dân sống trên và ven kênh rạch. Thời chiến tranh, đó là căn cứ cách mạng và chính tôi cũng đã sống trong một căn nhà thuộc căn cứ trên bờ kênh Q.8. Đến nay, chúng ta đã di dời hơn 28.000 căn nhà trên ven kênh, rạch, đổi đời cho người dân. Một điều nữa là các chung cư cũ đã được xây lại khang trang, các quận nội thành xây dựng những chung cư cao tầng hiện đại. TP.HCM cũng là nơi khởi đầu xây nhà tình thương ở H.Củ Chi, Hóc Môn những năm 1980. Người dân khi đó không có tiền mà đổi bằng lúa gạo, khoai sắn. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên chỉnh trang đô thị ở Bàu Cát, Q.Tân Bình khi xây 1.000 căn nhà bán trả góp. Hiện nay chất lượng cuộc sống, điều kiện ở được nâng lên rất rõ rệt, khi các khu nhà trọ lụp xụp, nóng bức, 20 năm trước đây giờ đã khang trang hơn. Đó là những sự đổi đời thật sự, mang ý nghĩa rất lớn trong hành trình phát triển của TP", ông Lê Hoàng Châu nói.

TP.HCM sau 50 năm đất nước thống nhất đã đạt được những thành quả vĩ đại. Điều này đến từ sự đồng tâm hiệp lực, đóng góp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và nguồn lực đầu tư nước ngoài. Một điểm đánh dấu của 50 năm là cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy nhà nước 2 cấp, loại bỏ cấp trung gian. Điều này tạo ra một chính quyền gần gũi với người dân. Mọi nhu cầu của người dân đều được giải quyết ở cấp cơ sở. Đây sẽ là bước đột phá đưa TP tới một giai đoạn phát triển mới rực rỡ hơn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao