Nâng cao ý thức cộng đồng
Phát biểu khai mạc tại lễ phát động cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC Phạm Quốc Bảo cho biết: "Cứ đến quý 2 hằng năm, TP.HCM luôn phải trải qua giai đoạn cao điểm của nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 - 40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả thời gian ban đêm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cũng tăng lên, chủ yếu do sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh. Từ sự gia tăng nhu cầu sử dụng điện dẫn đến khả năng quá tải đường dây nội bộ trong nhà có thể gây ra các sự cố điện dẫn đến cháy nổ…, mà nguyên nhân chính là do đường dây dẫn điện cũ không được thay thế kịp thời, các điểm đấu nối không đúng quy cách và cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện dẫn đến quá tải gây chạm, chập, cháy nổ".
Vì vậy, TS Phạm Quốc Bảo đánh giá rất cao hiệu quả mà cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen mang lại. Chủ tịch HĐTV EVNHCMC nhấn mạnh: "Với chủ đề An toàn, tiết kiệm - kinh nghiệm sẻ chia, cuộc thi mong muốn khách hàng không chỉ chia sẻ các giải pháp tiết kiệm điện mà còn các cách thức đảm bảo sử dụng điện an toàn, hiệu quả nhằm giảm thiểu tai nạn điện, sự cố cháy nổ có nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp do điện, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm để trở thành thói quen sinh hoạt hằng ngày. Đây được xem là một trong những cuộc thi viết được bạn đọc yêu thích nhất bởi tính thực tiễn, gần gũi và cả về hiệu quả kinh tế mang lại trong việc ứng dụng của khách hàng sử dụng điện".

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn (trái) và Chủ tịch HĐTV EVNHCMC Phạm Quốc Bảo tặng hoa cho các thành viên ban giám khảo
ẢNH: Đ.N.THẠCH
Là đơn vị đồng tổ chức, Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: "Mỗi tác phẩm dự thi sẽ là một câu chuyện sinh động, độc đáo, không chỉ giúp nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, mà còn lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, khuyến khích sự sáng tạo của các cá nhân, tổ chức trong việc tìm kiếm những phương thức mới để sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó hình thành thói quen tiêu dùng điện có trách nhiệm trong cộng đồng. Đặc biệt năm nay, Ban tổ chức còn nhận thêm tác phẩm dự thi dưới hình thức video clip nhằm đa dạng cách thể hiện và phù hợp với xu hướng phát triển đa phương tiện nghe nhìn và xu hướng chuyển đổi số sâu rộng".
Nhiều giọt nước góp thành đại dương
Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà, lần thứ 3 gắn bó với Tiết kiệm điện thành thói quen, kể lại: "Nhiều lần tôi tận mắt chứng kiến các bạn trẻ đi du lịch lâu ngày vẫn quên tắt cầu dao điện ở nhà. Từ nhỏ đến lớn, tôi sợ nhất sự lơ đễnh của này của mình nên hạ quyết tâm phải khắc phục nhược điểm này".
Trong vai trò là hoa hậu môi trường vừa là đại sứ của cuộc thi, Thanh Hà cho rằng việc lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường với việc sử dụng điện như an toàn - tiết kiệm vào các cuộc thi mang tính cộng đồng là vô cùng ý nghĩa. Theo cô, những cuộc thi hấp dẫn về điện có giá trị giải thưởng cao luôn có tính cạnh tranh, là cơ hội để mọi người có thể chia sẻ nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau.

Hoa hậu Thanh Hà và các khách mời giao lưu
ẢNH: Đ.N.THẠCH
Nhà thơ Lê Minh Quốc, thành viên ban giám khảo, lưu ý: "Tiết kiệm điện thành thói quen bước sang năm thứ 3 đã chứng tỏ sự hiệu quả thiết thực, tôi tin rằng cuộc thi đã đi đúng hướng khi cùng mọi người hình thành thói quen tiết kiệm nghiêm túc. Năm nay chúng ta lại thêm mảng an toàn về điện nữa thì thật sự quá trọn vẹn. Mỗi tác phẩm dự thi hãy làm một giọt nước nhỏ bé cùng góp vào sự mênh mông của đại dương tiết kiệm điện".
Nghệ sĩ Hòa Hiệp, cũng là đại sứ của cuộc thi, mong muốn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp: "Tiết kiệm điện, hãy ý thức - trách nhiệm để mỗi tháng không còn than phiền về tiền điện!". Chia sẻ từ câu chuyện từng suýt gây hỏa hoạn khi sạc pin điện thoại, nghệ sĩ này nhắn nhủ: "Thói quen chủ quan này của nhiều người thực sự rất nguy hiểm khi gặp pin cũ, pin không rõ nguồn gốc. Tôi chỉ gặp một lần mà nhớ suốt đời".
TS Nguyễn Công Tráng, chuyên gia về an toàn điện, khuyến cáo: "An toàn điện là lĩnh vực rất khó, dễ gây cháy nổ, chết người nên phải trang bị kiến thức cho bản thân, bởi với điện - không có cơ hội rút kinh nghiệm cho lần sau".
Dịp này, Ban tổ chức cũng công bố chi tiết Thể lệ cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen với tổng giải thưởng 130 triệu đồng và quà tặng (xem chi tiết trên thanhnien.vn).
Thông qua các tác phẩm trên các nền tảng số, cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen do Báo Thanh Niên và EVNHCMC đồng tổ chức là phương thức hiệu quả để phổ biến các sáng kiến tiết kiệm điện, sử dụng điện an toàn đến đông đảo công chúng.
Những câu chuyện độc đáo không chỉ giúp nâng cao nhận thức về thói quen sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mà còn hình thành các hành vi tiêu dùng điện thông minh, góp phần đưa những hình ảnh đẹp về ngành điện lan tỏa rộng rãi, tạo ra những thay đổi tích cực trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả.