Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường sau khi rà soát có 2 địa điểm có thể đầu tư thêm một bãi chôn lấp rác sinh hoạt.
Địa điểm thứ nhất là dự án Khu Công nghệ môi trường xanh tại tỉnh Long An. Dự án này đang được UBND TP.HCM phối hợp với tỉnh Long An giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến chủ đầu tư.
Vì vậy, việc triển khai xây dựng bãi chôn lấp dự phòng tại đây cần nhiều thời gian vì phụ thuộc vào tiến độ làm việc với chủ đầu tư.
Địa điểm thứ hai là khu đất tại Lô I có diện tích 14 ha tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi phù hợp để thực hiện đầu tư, xây dựng 1 bãi chôn lấp rác dự phòng vì có nhiều yếu tố thuận lợi.
Hiện nay, khu đất này đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng và vị trí khu đất đang được quy hoạch xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 nên dự án sẽ được triển khai ngay đáp ứng yêu cầu cấp bách của thành phố.
Mặt khác, vị trí này đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường khi đầu tư bãi chôn lấp hợp vệ sinh đáp ứng đầy đủ tiêu chí về công nghệ.

Đề xuất đầu tư bãi chôn lấp rác 14 ha tại huyện Củ Chi. Trong ảnh là bãi rác Đa Phước
ẢNH: T.N
Do vậy, trong trường hợp thành phố thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 theo ranh 822 ha được phê duyệt để cập nhật các dự án đốt rác phát điện và đường dây nhánh rẽ 110kV Phước Hiệp đang triển khai thì quy hoạch khu đất 14 ha tại Lô I không thay đổi và vẫn phù hợp để thực hiện dự án.
Kiến nghị UBND thành phố chấp thuận địa điểm đầu tư, xây dựng bãi chôn lấp rác dự phòng tại vị trí Lô I (14 ha) trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết theo nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2025 xử lý ít nhất 80% rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế, hướng tới 100% vào năm 2030.
Hiện tại, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP.HCM đã đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải, tích cực tháo gỡ các vướng mắc và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Hiện nay, mỗi ngày thành phố phát sinh 10.000 tấn rác thải sinh hoạt, đến 2050 lên khoảng 22.000 tấn. Các bãi chôn lấp rác đang trong tình trạng quá tải nên TP.HCM đẩy nhanh việc khởi công các nhà máy đốt rác phát điện để xử lý rác thải sinh hoạt.