Tiến sĩ - bác sĩ Palleti Siva Karthik Reddy, làm việc tại Bệnh viện Koshys (Ấn Độ), cho biết: Khi tiếp xúc với nắng nóng 50 độ C, cơ thể phải đối mặt với căng thẳng cực độ. Nhiệt độ cơ thể thường dao động quanh mức 37 độ C và cơ thể phải vất vả để duy trì sự cân bằng này thông qua việc đổ mồ hôi và giãn mạch máu. Tuy nhiên, ở nhiệt độ trên 50 độ C, các cơ chế này có thể bị quá tải.
Bác sĩ Palleti Siva Karthik Reddy giải thích: Khi tiếp xúc với nhiệt độ trên 50 độ C, ban đầu cơ thể phản ứng bằng cách đổ mồ hôi nhiều để hạ nhiệt. Các mạch máu gần da giãn nở để tản nhiệt. Nhưng mạch máu giãn nở quá mức có thể gây hạ huyết áp và giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não.

Khi tiếp xúc với nắng nóng 50 độ C, cơ thể phải đối mặt với căng thẳng cực độ
Ảnh: AI
Nghiên cứu của Đại học Roehampton (Anh) đã phát hiện nhiệt độ cao nhất mà cơ thể có thể xử lý là từ 40-50 độ C. Ở nhiệt độ này, cơ thể có khả năng bị căng thẳng nhiệt, gây choáng váng, mệt mỏi, chuột rút cơ và chóng mặt.
Tiếp xúc với nền nhiệt độ cao, có thể dẫn đến sốc nhiệt, gây đau đầu, lú lẫn, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, và ngất xỉu. Đây là trường hợp cấp cứu y tế có thể gây tổn thương não, tim, thận và có thể gây tử vong, theo tờ Indian Express.
Nguy cơ khi tiếp xúc lâu với nắng nóng 50 độ C
Bác sĩ Reddy cho biết: Nguy cơ sức khỏe do tiếp xúc lâu với nhiệt độ 50 độ C là rất nghiêm trọng và cơ thể có biểu hiện nhanh chóng.
Thời tiết nắng nóng, muốn tránh đột quỵ không nên làm những điều này
Đầu tiên là sốc nhiệt - có thể phát triển trong vòng vài giờ. Tình trạng này có thể dẫn đến suy nội tạng nếu không được điều trị kịp thời.
Đồng thời, 3 bộ phận quan trọng của cơ thể cũng nhanh chóng bị ảnh hưởng, gồm:
Thận. Đổ mồ hôi quá nhiều dẫn đến cơ thể mất nước nhanh chóng. Các đợt mất nước lặp đi lặp lại có thể dẫn đến tổn thương thận và làm trầm trọng thêm các vấn đề về tim mạch.

Đổ mồ hôi quá nhiều, cơ thể mất nước nhanh chóng, từ đó có thể dẫn đến tổn thương thận
Ảnh: AI
Tim. Theo tạp chí y khoa The Lancet, biến cố tim mạch là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong trong thời tiết nắng nóng.
Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các mạch máu giãn nở, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và các biến cố tim mạch khác, đặc biệt là ở người cao tuổi và người có bệnh nền.
Não. Ở nhiệt độ cao, protein trong cơ thể bắt đầu ngừng hoạt động làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Các triệu chứng bao gồm co giật, lú lẫn và mất ý thức.
Các biện pháp bảo vệ khi nhiệt độ lên 50 độ C
Bác sĩ Reddy khuyến nghị: Để bảo vệ bản thân trong môi trường có nhiệt độ vượt quá 50 độ C, bạn nên thực hiện các bước sau:
Giữ đủ nước: Uống nhiều nước, tránh caffeine và rượu - những thứ có thể làm cơ thể mất nước.
Tìm nơi râm mát và mát mẻ: Tránh ánh nắng trực tiếp và ở trong những khu vực có điều hòa hoặc thông gió càng nhiều càng tốt.
Mặc quần áo phù hợp: Quần áo nhẹ, rộng rãi và sáng màu giúp phản xạ nhiệt, mồ hôi bốc hơi.
Hạn chế hoạt động thể chất: Giảm các hoạt động gắng sức, đặc biệt là trong những giờ nắng nóng đỉnh điểm. Đặc biệt, những người lao động chân tay, bao gồm nông dân, công nhân xây dựng, người giao hàng có nguy cơ cao hơn vì thường làm việc dưới ánh nắng mặt trời.
Sử dụng các phương pháp làm mát: Sử dụng quạt, tắm nước mát và chườm đá vào các vùng quan trọng như cổ, cổ tay và nách để làm mát cơ thể, vì các tĩnh mạch nằm tại những điểm này.
Xử trí kịp thời. Nếu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn... trong trời nóng, hãy vào nơi mát mẻ, râm mát và uống nước. Nếu có các triệu chứng say nắng, hãy đi cấp cứu ngay lập tức, theo Indian Express.