Thậm chí, khi trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ và thay đổi mọi ngành nghề thì có cần đào tạo lập trình viên không cũng là vấn đề được đặt ra và có nhiều ý kiến trái chiều.

Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong giờ học
ẢNH: HÀ ÁNH
39% kỹ năng sẽ thay đổi hoặc lỗi thời trong 5 năm tới
Tại hội thảo "Đào tạo Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI)" do Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Câu lạc bộ các khoa-trường-viện công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam (FISU Việt Nam) tổ chức cuối tuần qua, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), nhìn nhận: "Trong bối cảnh AI và ICT đang ngày càng thâm nhập sâu vào mọi khía cạnh của đời sống, đào tạo nguồn nhân lực trong hai lĩnh vực này không còn chỉ là đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp".
Dẫn 2 báo cáo lớn năm 2025 của ĐH Stanford và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), PGS Tú Anh chỉ ra rằng đào tạo AI và ICT đang trở thành nền tảng chiến lược cho quá trình chuyển đổi số, thu hẹp bất bình đẳng kỹ năng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đóng góp trực tiếp vào phát triển bền vững toàn cầu. Theo WEF, AI và xử lý thông tin là xu hướng công nghệ có tác động chuyển đổi mạnh nhất đến doanh nghiệp trong giai đoạn 2025 - 2030, với 86% nhà tuyển dụng dự báo sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, ĐH Stanford ghi nhận 78% doanh nghiệp toàn cầu đã sử dụng AI trong năm 2024, với Generative AI được ứng dụng trong đa dạng lĩnh vực như tiếp thị, vận hành, chăm sóc khách hàng. WEF dự báo 39% kỹ năng hiện có sẽ thay đổi hoặc lỗi thời trong 5 năm tới. Cùng với AI, mạng và an ninh mạng, hiểu biết công nghệ là những nhóm kỹ năng tăng trưởng nhanh nhất. Ngoài ra, 63% doanh nghiệp cho rằng thiếu hụt kỹ năng là rào cản lớn nhất cho chuyển đổi số.
"WEF cảnh báo rằng việc chậm thích ứng công nghệ có thể dẫn đến mất 92 triệu việc làm và tạo ra 170 triệu việc làm mới, tương đương 22% tổng lực lượng lao động hiện tại. Như vậy, dữ liệu và dự báo từ ĐH Stanford và WEF đều khẳng định đào tạo AI và ICT không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân, mà là nền tảng chiến lược để quốc gia thích ứng với chuyển đổi số, thu hẹp bất bình đẳng, cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững trong thế kỷ 21. Các chính phủ, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục cần đầu tư quyết liệt và đồng bộ để chuyển dịch từ nhận thức sang hành động", PGS Tú Anh nói thêm.
Trong bối cảnh đó, PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh cho hay: "Chúng ta đều đang đối mặt với một câu hỏi lớn: Đào tạo công nghệ thông tin có ý nghĩa như thế nào trong kỷ nguyên AI? Liệu mô hình đào tạo hiện tại có còn phù hợp và hiệu quả trong tương lai không? Trong thời gian qua, chúng ta đã nghe không ít bài báo và thông tin trái chiều về việc liệu chúng ta có còn cần đào tạo lập trình viên hay không, khi AI đang phát triển mạnh mẽ và thay đổi mọi ngành nghề".
Chẳng hạn tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới ở Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) đầu năm ngoái, CEO Jensen Huang của Nvidia cho rằng giới trẻ không còn được khuyến khích học tập trình vì đã có AI làm việc đó. Phát biểu này đã gây nhiều tranh cãi thời gian qua.
Thay đổi cách đào tạo
PGS-TS Nguyễn Hoàng Tú Anh cho biết thêm: "Việc đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, mà còn tạo ra một làn gió mới, mang đến hứng khởi cho cả giảng viên và sinh viên. AI không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để chúng ta sáng tạo những phương pháp giảng dạy và nghiên cứu mới, giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện về kiến thức, tư duy, kỹ năng và sự sáng tạo".
Trước câu hỏi trên, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ -Tin học TP.HCM, cho hay: "Các trường ĐH đều nhận ra điều này - AI đã quá mạnh mẽ trong lập trình, đang thay đổi nhiều cách dạy và học công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tư duy hệ thống vẫn phải cần đến con người. Lập trình viên kiểu thợ code/thợ xây sẽ bị thay thế bởi AI, nhưng kiến trúc sư hệ thống, người có tư duy sáng tạo vẫn luôn luôn cần thiết. Những kỹ sư công nghệ thông tin dưới sự hỗ trợ của AI lại càng mạnh mẽ hơn". Tuy nhiên, tiến sĩ Tuấn nói thêm: "AI không thể thay thế con người, nhưng những người biết sử dụng AI sẽ thay thế những người không biết AI. Do đó, các trường ĐH đang có những thay đổi nhất định theo những cách khác nhau nhưng chung nhất vẫn là đào tạo nền tảng và tư duy".

Ứng dụng AI ngày càng trở nên phổ biến, nhất là giới trẻ
ảnh: thanh nam
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Vũ, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), các chương trình đào tạo công nghệ thông tin hiện nay thường có khối kiến thức nền tảng như: toán, thuật toán, hệ điều hành, mạng, cơ sở dữ liệu và kỹ năng lập trình. Đây là khối kiến thức cần thiết để giúp nắm rõ và làm chủ các công nghệ AI. PGS-TS Nguyễn Văn Vũ nói thêm: "Các giải pháp AI giúp hoặc thay chúng ta làm nhiều thứ, nhưng cũng cần ai đó, công ty, tổ chức nào đó phát triển, xây dựng, bảo trì và vận hành nó". "Nếu chúng ta muốn làm chủ, không muốn phụ thuộc công nghệ của người khác, nước khác thì chúng ta phải đào tạo nhân lực có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu để xây dựng và phát triển AI. Đào tạo lập trình cũng cần thiết bởi lý do này", PGS Vũ khẳng định.
Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên chia sẻ thêm: "Ngoài ra, tôi cho rằng nghịch lý Jevons vẫn có thể áp dụng. Một khi việc phát triển phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin được thực hiện nhanh chóng nhờ vào AI thì nhu cầu ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin tăng lên và số lượng kỹ sư công nghệ thông tin cũng tăng tương ứng".
Trước câu hỏi, việc đào tạo các kỹ sư công nghệ thông tin trong trường ĐH cần thay đổi theo hướng nào, PGS-TS Nguyễn Văn Vũ cho rằng chương trình đào tạo nên tích hợp đồng thời đào tạo đội ngũ xây dựng công nghệ nền tảng, đội ngũ phát triển và ứng dụng giải pháp AI. Chương trình nên tích hợp việc ứng dụng các công cụ AI và kiến thức phát triển giải pháp AI. Các kỹ năng về suy luận biện chứng, tư duy hệ thống (systematic thinking); đạo đức, bảo mật và an toàn hệ thống; tư duy đa ngành-liên ngành là rất cần thiết trong chương trình đào tạo. "Chuẩn đầu ra cũng như phương pháp đánh giá cần phải thay đổi cho phù hợp hơn trong bối cảnh AI", Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên nêu thêm.
Nghiên cứu tích hợp nội dung giáo dục AI vào chương trình học
Trong hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Sơn Hải, Phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và thông tin (Bộ GD-ĐT), chia sẻ một số định hướng ứng dụng AI trong giáo dục.
Ở Việt Nam, các cơ sở giáo dục, nhà giáo, cán bộ quản lý và một bộ phận người học đã chủ động ứng dụng AI hỗ trợ công việc, bước đầu phát huy lợi ích, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt đối với học sinh phổ thông, khi hiểu chưa đúng và sử dụng AI không đúng cách.
Ứng dụng AI trong giáo dục là xu hướng tất yếu. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải là lực lượng tiên phong ứng dụng AI trong công việc chuyên môn, định hướng và hướng dẫn người học dùng AI có trách nhiệm.
Trong 4 nhóm giải pháp nêu ra, đại diện Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc xây dựng thể chế, chính sách về ứng dụng AI trong giáo dục. Bên cạnh đó là nâng cao nhận thức và phát triển năng lực ứng dụng AI, trong đó có nghiên cứu tích hợp nội dung giáo dục AI vào chương trình giáo dục phổ thông, chương trình đào tạo ĐH và giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo phù hợp từng nhóm đối tượng và cấp học.