Một biên chế TP.HCM phục vụ người dân gấp 3,2 lần cả nước

Thông tin trên được UBND TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2024 tại TP.HCM, chiều 28.3.

Tại buổi làm việc có Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy tham dự.

Tình trạng nghỉ việc tăng cao trong biên chế TP . HCM vì áp lực công việc - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy tham dự buổi làm việc

ẢNH: MỸ DIỆP

Theo đó, UBND TP.HCM báo cáo, từ ngày 1.1.2020 - 30.4.2023, thành phố ghi nhận 9.470 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, trong đó có 855 cán bộ, công chức và 8.615 viên chức.

Đồng thời, UBND TP.HCM nhận định: "Số lượng nghỉ việc tập trung nhiều ở các nhóm ngành đặc thù như y tế, giáo dục và nhóm công chức có độ tuổi trẻ".

Cụ thể, riêng lĩnh vực y tế 3.708 trường hợp, chiếm tỷ lệ 43%; theo sau là lĩnh vực giáo dục và đào tạo có 3.626 trường hợp, chiếm tỷ lệ 42,1%; còn lại 1.281 trường hợp thuộc các lĩnh vực sự nghiệp khác, chiếm tỷ lệ 14,9%.

Về độ tuổi, nhóm từ 35 - 40 tuổi có tỷ lệ nghỉ việc cao nhất, với 41,9% ở cán bộ, công chức và 37,1% ở viên chức.

Lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, UBND TP.HCM cho biết do chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thực sự thỏa đáng, chưa tạo đủ động lực để cán bộ, công chức, viên chức an tâm cống hiến lâu dài, đặc biệt khi khu vực tư nhân đưa ra mức thu nhập và cơ hội phát triển hấp dẫn hơn.

“Dù TP.HCM đã triển khai chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, nhưng tỷ lệ nghỉ việc vẫn ở mức cao, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm và hậu đại dịch Covid-19”, UBND TP.HCM nhìn nhận.

Theo đó, UBND TP.HCM nêu rõ: "Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quyết định nghỉ việc không phải do thu nhập thấp mà do thu nhập chưa đủ bù đắp được chi phí cơ hội khi họ chuyển sang làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công. Với mức thu nhập và khối lượng công việc cũng như trách nhiệm như hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức sẵn sàng nghỉ việc để sớm chuyển sang khu vực tư với mức thu nhập hấp dẫn và cơ hội phát triển cao hơn".

Tỷ lệ nghỉ việc gia tăng vì nhiều lý do

Ngoài ra, áp lực công việc lớn, cơ hội thăng tiến hạn chế, sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cùng với môi trường làm việc và văn hóa công sở chưa thực sự cởi mở cũng góp phần gia tăng tỷ lệ nghỉ việc.

Đưa ra một ví dụ cụ thể, UBND TP.HCM lý giải, TP.HCM là địa phương đông dân và có mật độ dân số lớn nhất cả nước, đây cũng là nơi mà công chức phục vụ cho số lượng người dân lớn nhất cả nước. Trong khi một quận, huyện của cả nước bình quân có 137.000 dân thì con số này ở TP.HCM là 441.000 dân.

"Tức trong điều kiện bình thường, một biên chế của TP.HCM phải phục vụ cho người dân gấp 3,2 lần cả nước. Đặc biệt trong đợt cao điểm, cán bộ, công chức, viên chức phải xử lý khối lượng công việc tăng cao bất thường, đã gây ra những ảnh hưởng nhất định về mặt tâm lý và xã hội", UBND TP.HCM phân tích.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cho hay, không ít cán bộ, công chức, viên chức không có nhiều thời gian dành riêng cho bản thân và các hoạt động với gia đình, bạn bè.

"Nhất là tại các lĩnh vực trọng điểm như y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội… hầu như phải làm việc liên tục hơn 8 giờ/ngày, thậm chí phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ và ngày nghỉ phép. Cán bộ, công chức, viên chức không có thời gian cho cuộc sống riêng, thời gian dành cho gia đình mỗi ngày đều rất hạn chế nên phát sinh tâm lý ức chế, dễ dẫn đến quyết định nghỉ việc", UBND TP.HCM nhìn nhận.

Tình trạng nghỉ việc tăng cao trong biên chế TP . HCM vì áp lực công việc - Ảnh 2.

TP.HCM hiện có 13.293 cán bộ, công chức cấp huyện trở lên

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Về tình hình nhân sự trong khu vực công, TP.HCM hiện có 13.293 cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, trong đó nữ 5.902 người, chiếm tỷ lệ 44,4%, đảng viên chiếm 9.510 người, chiếm tỷ lệ 71,5% và 2% thuộc nhóm dân tộc thiểu số, 262 người.

Đáng chú ý, nhóm dưới 41 tuổi chiếm 8.146 người, chiếm tỷ lệ 61,3%, phản ánh lực lượng lao động trong khu vực công có độ tuổi tương đối trẻ.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao