Lênh đênh theo dòng nước
Mặt trời đứng bóng, bà Nguyễn Thị Thư (71 tuổi) khom người về nhà sau buổi rửa bát thuê được trả công 50.000 đồng. Bà đặt túi thức ăn thừa xuống đất, dùng hết sức kéo chiếc xuồng nhỏ đang neo đậu tiến lại phía mình.

Bà Nguyễn Thị Thư đỡ cháu gái lên chiếc xuồng nhỏ để vào nhà
Ảnh: Minh Nhân
Đỡ cháu gái lên xuồng, bà Thư lẩm bẩm "không được nghịch ngợm". Bà kéo dây neo, chiếc xuồng nhỏ chậm rãi tiến vào dòng sông Cầu, đến vị trí cách bờ vài mét, nơi có "căn nhà" được cải tạo từ chiếc thuyền xi măng. Lúc sau, cháu trai tan trường, bà Thư lại kéo xuồng ra đón. Không ai biết bố mẹ của những đứa trẻ đã đi đâu, chỉ thấy nhiều năm qua chúng sống dựa vào bà nội với khoản tiền rửa bát thuê ít ỏi mỗi ngày.
Bà Thư nghèo đến nỗi cả làng chài Nguyệt Đức (xã Vân Hà, H.Việt Yên, Bắc Giang) đều biết. Hơn 1 năm trước, bà dắt 3 đứa cháu đi ở nhờ thuyền của người khác, sau được chính quyền địa phương hỗ trợ 40 triệu đồng mua thuyền để cải tạo thành nhà.

Lối xuống những nhà thuyền trên sông Cầu
Ảnh: Minh Nhân
Xã Vân Hà có 3 thôn, trong đó 2 thôn trên bờ, còn thôn Nguyệt Đức là những ngôi nhà dựng trên thuyền neo cố định dưới lòng sông Cầu, kéo dài hơn 1 km. Những chiếc thuyền san sát nhau, với lối đi ngay bên hông, có nhà sở hữu 2 hoặc 3 thuyền ghép lại với nhau. Nguyệt Đức từng được gắn với cái tên "thôn 5 không": không điện, không đường, không đất, không nước sạch, không nhà sinh hoạt cộng đồng.

Dù chỉ cách bờ vài mét, nhưng cuộc đời của người dân Nguyệt Đức gắn chặt với sông nước
Ảnh: Minh Nhân
Buổi trưa, làng chài Nguyệt Đức vắng hoe, những nhà thuyền thẫn thờ nằm im trên sông vắng. Thanh niên trong làng đều đã lên bờ đi làm thuê từ sớm, chỉ còn người già, trẻ em ở lại. Thỉnh thoảng, những chiếc thuyền lớn chở hàng, chở cát đột ngột đi qua, cuộn trào thành một đợt sóng khiến các nhà thuyền tròng trành, như chính cuộc đời lênh đênh của các cư dân làng chài đã bám trụ trên sông Cầu hàng chục năm qua.

Từ khi sinh ra, anh Nguyễn Văn Bằng đã sống trên thuyền, rồi lập gia đình và sinh con
Ảnh: Minh Nhân
Từ khi sinh ra, anh Nguyễn Văn Bằng (43 tuổi) đã sống trên thuyền, đến anh là đời thứ 7. "Nhà" anh dài 7 m, được gia cố bằng 2,5 tấn sắt, thép, cát sỏi; chia thành 2 phòng ngủ (6 m²), phòng khách (6 m²), nhà vệ sinh và khu bếp. Để thuyền không bị trôi ra giữa dòng, anh dùng 6 dây thừng neo đậu.
Hằng ngày, anh Bằng đi làm thuê, còn vợ là chị Nguyễn Thị Tính (47 tuổi) buôn cá. Bà Nguyễn Thị Đều (67 tuổi, mẹ anh Bằng) sống ở chiếc thuyền nhỏ bên cạnh cùng 7 chú chó và 1 con mèo. "Cuộc sống lênh đênh trên thuyền khó khăn và bất tiện", người đàn ông thở dài, nhìn cậu con trai 10 tuổi đang ngồi trên chiếc võng giữa nhà.
Mọi sinh hoạt của gia đình anh Bằng và các hộ dân ở Nguyệt Đức đều diễn ra trên thuyền, từ ăn uống đến tắm giặt. Nước thải sinh hoạt, các loại rác đều được xả thẳng xuống sông, gây ô nhiễm.
Những cuộc "di cư" xuống dòng sông
Năm 2009, anh Hà Văn Sỹ (42 tuổi) kết hôn với chị Nguyễn Thị Nội (41 tuổi) nên anh chuyển từ Yên Bái đến làng chài Nguyệt Đức sinh sống. Anh Sỹ nhiều lần thuyết phục vợ lên bờ sống cùng mình, nhưng cuộc sống sông nước đã "ăn vào máu thịt" đến mức những người dân như chị Nội dường như... quên cả lên bờ.

Không gian bếp chật hẹp ở cuối thuyền của gia đình anh Hà Văn Sỹ
Ảnh: Minh Nhân
Trên thuyền chở cát dài 10 m, rộng hơn 2 m, anh Sỹ bỏ tiền lát sàn đá, ốp trần gỗ. Anh dựng nhà chia làm 2 phòng, chừa thêm gian đặt bếp, tủ lạnh, máy giặt và khu vệ sinh ở cuối thuyền. Anh nói do sống trên thuyền nên mọi thứ cần tối giản. "Ngày đầu xuống thuyền, tôi xây xẩm mặt mày, cảm giác như say sóng. Tối ngủ, tôi lo sợ thuyền chao đảo như động đất", chàng rể thôn Nguyệt Đức nhớ lại những ngày đầu bỡ ngỡ "sống như một người dân làng chài".

Các gia đình hàn khung sắt, ngăn ngừa đuối nước
Ảnh: Minh Nhân
Anh Sỹ tập thích nghi rồi lâu dần cũng quen với nhịp sống trên sông, song bất tiện nhất là tiếng máy tàu thuyền qua lại đêm hôm gây mất ngủ, nơm nớp sợ bị tàu hàng đâm trúng. Cách đây 5 năm, anh dựng một chiếc cầu bằng khung sắt làm lối đi xuống tạm bợ không có lan can. Trong nhà, anh hàn một khung sắt che chắn, ngăn không cho trẻ ra ngoài, tránh nguy cơ đuối nước.
Trưởng thôn Trương Thị Hiền Lương cho hay cách đây 2 năm, làng chài một lúc mất đi 3 người dân, gồm một cụ bà bị lật thuyền khi đang nhặt ve chai trên sông và 2 trẻ đuối nước. Chị Nguyễn Thị Lụa (34 tuổi), đến nay vẫn chưa thôi day dứt về sự ra đi của cậu con trai 5 tuổi... Mất mát khiến cư dân xóm Nguyệt Đức đau đớn, song họ cũng bất lực và "đầu hàng trước số phận". Nghịch lý những đứa trẻ sinh ra trên sông nước nhưng không biết bơi càng khiến người lớn thêm hối hận. Kể từ đó, người mẹ quyết tâm dạy các con kỹ năng sống.

Chị Lụa ngồi giặt quần áo cạnh mép thuyền
Ảnh: Minh Nhân
Chị Lụa quê ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), chuyển đến sống ở thôn Nguyệt Đức được 13 năm, từ ngày lấy anh Nguyễn Văn Bộ (39 tuổi). Cả hai quen nhau khi làm chung công ty ở Bắc Ninh. Ban đầu, bố mẹ chị Lụa phản đối cuộc hôn nhân này, lo lắng con gái về nhà chồng "không biết sống thế nào". Nhưng chị nghĩ đơn giản "đến với nhau đều do duyên số" nên sướng khổ sẽ tự chịu.
Ngày đầu đặt chân xuống thôn Nguyệt Đức, chị Lụa cũng giống anh Hà Văn Sỹ, bỡ ngỡ với cuộc sống vạn chài. Thuyền nhà chị Lụa dài 7 m, rộng 3 m, chia làm 3 phòng chính. Những ngày tập di chuyển bằng thúng, chị bị đắm mấy lần, đều phải tự bơi vào nhà. "Mọi thứ đều khó khăn", người phụ nữ nói, và cho biết những lần nước dâng hay tàu lớn đi qua đều khiến chị lo lắng và sợ hãi.
Ước mong an cư trên mặt đất
Sau buổi lái đò thuê, bà Hoàng Thị Nga (65 tuổi) về nhà nghỉ trưa. Ngồi hóng gió qua khung cửa sổ nhỏ bên mạn thuyền, bà trầm ngâm: "Tôi đã sống gần hết đời dưới nước".

Bà Hoàng Thị Nga đã sống gần hết đời trên sông
Ảnh: Minh Nhân
Bà Nga lấy ông Nguyễn Văn Dương (68 tuổi), sinh được 4 người con, trong đó 2 người con lớn đã lập gia đình, chuyển lên bờ sinh sống. Nhà thuyền của vợ chồng bà vốn là thuyền vận tải cát, sỏi dài 17 m, rộng hơn 3 m, được neo đậu bằng 6 - 7 cái cọc. Tháng 9 năm ngoái, khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ, cả gia đình phải thức thâu đêm chằng níu thuyền, thay nhau tát nước, chẳng dám ngủ. "Như trên bờ, vào mùa mưa lũ, người ta đóng cửa chạy vào, còn chúng tôi phải chạy ra, sợ gió to quá giật thì đứt neo, trôi thuyền, trôi cả gia đình", bà tâm sự.
Theo bà Nga, thế hệ người già ở Nguyệt Đức như bà "đang dần lùi vào lịch sử". Thuở sông Cầu còn trong xanh, người dân mưu sinh bằng việc chài lưới, đánh bắt tôm cá tự nhiên, vận chuyển hàng hóa thuê. Họ bám trụ và thích nghi với cuộc sống sông nước, trẻ em lớn lên hoang dại như cây cỏ, lênh đênh theo cha mẹ.
Khi thời đại đổi thay, người trẻ sống dưới thuyền bắt đầu "lên bờ" kiếm việc tại các thành phố lân cận. Người già trong làng hoặc ở nhà trông cháu, hoặc lái đò thuê như vợ chồng bà Nga. "Mong ước lớn nhất của chúng tôi là được lên bờ sinh sống thay vì cảnh sống bấp bênh trên những con thuyền", người phụ nữ nghẹn lời.
Bà Nguyễn Thị Mỹ, Phó chủ tịch UBND xã Vân Hà, cho biết thôn Nguyệt Đức có 186 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Người dân đều có hộ khẩu, trẻ em được đến trường. "UBND H.Việt Yên đã giao cơ quan chuyên môn phối hợp UBND xã Vân Hà rà soát và bố trí đất quy hoạch khu tái định cư cho các hộ tại thôn Nguyệt Đức", bà Mỹ nói.
Trên thực tế, dự án "Sắp xếp và ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn xã Vân Hà, H.Việt Yên" với quyết tâm đưa người dân làng chài Nguyệt Đức "lên bờ", được bố trí tại khu Đồng Săng (xã Vân Hà), với tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng. Chính quyền kỳ vọng khi dự án hoàn thành sẽ giúp người dân an cư, lạc nghiệp, dần nâng cao đời sống...