Theo thống kê của hệ thống dữ liệu đo mưa Vrain, chiều 30.3, mưa trái mùa đã bắt đầu xuất hiện ở một số khu vực thuộc Nam bộ như: Long Bình (Bình Phước) 25 mm, Tân Hà (Tây Ninh) 1,6 mm, Bến Cát (Bình Dương) 2 mm; Cát Lái (TP.HCM) 8 mm.

Mưa trái mùa ở Nam bộ kéo dài đến khi nào?
ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Trong những giờ tới, mây giông tiếp tục phát triển và gây mưa rào kèm theo giông, sét cho các khu vực kể trên, sau đó mở rộng và lan sang các khu vực lân cận khác.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, đợt mưa trái mùa kéo dài ở Nam bộ do ảnh hưởng của rãnh xích đạo và nhiễu động gió đông.
Từ ngày 31.3 - 1.4, áp cao lạnh lục địa sẽ tăng cường xuống phía nam, sau hoạt động ổn định; áp cao cận nhiệt đới có trục qua miền Trung hoạt động ổn định, còn rãnh xích đạo xu hướng nâng trục lên phía bắc có xu hướng hoạt động tốt lên nối với vùng nhiễu động trên khu vực nam Biển Đông nên Nam bộ tiếp tục có mưa trái mùa.
Sang ngày 2.4, áp cao lạnh lục địa suy yếu dần, rãnh xích đạo dịch xuống phía nam và suy yếu nên lượng mưa giảm dần, đến ngày 3.4, mưa trái mùa kết thúc ở Nam bộ.
Triều cường gia tăng ở Nam bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 30.3 tại ven biển phía đông của Nam bộ mực nước triều đang ở mức cao. Mực nước cao nhất quan trắc tại trạm Vũng Tàu là 408 cm vào lúc 2 giờ cùng ngày.
Dự báo, từ tối 30 - 31.3, vùng ven biển các tỉnh từ Vũng Tàu - Cà Mau tiếp tục chịu ảnh hưởng của triều cường, độ cao khoảng 410 - 420 cm. Thời điểm cao nhất vào khoảng 0 - 4 giờ và 13 - 19 giờ hàng ngày.
Sang ngày 1.4, mực nước tại ven biển phía đông của Nam bộ có xu hướng tăng dần. Dự báo mực nước cao nhất tại trạm Vũng Tàu có thể đạt 415 - 420 cm.
Cảnh báo các khu vực trũng, thấp ở ven biển, ven sông, vùng ngoài đê bao Đông Nam bộ có khả năng ngập úng trong khoảng thời gian chiều tối và đêm.