Ngày 28.3, thứ trưởng Bộ Y tế GS-TS Trần Văn Thuấn cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và y tế cơ sở của TP.HCM.
90% trẻ mắc sởi nặng chưa tiêm vắc xin
Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ CK.2 Cao Minh Hiệp, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết dịch sởi gia tăng từ tháng 6.2024 và đạt đỉnh vào tuần thứ 50.
Trong năm 2024, bệnh viện tiếp nhận điều trị 3.395 ca, trong đó, các tỉnh chiếm đến hơn 70%. Đặc biệt, ca bệnh sởi trên trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) chiếm đến gần 35%.
"Trong năm 2024, số ca bệnh sởi nặng là 636 ca, các tỉnh chiếm 77%; trẻ dưới 9 tháng chiếm 38,5%", bác sĩ Cao Minh Hiệp nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1
ẢNH: DUY TÍNH
Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 1.520 ca bệnh sởi, ở tỉnh chiếm gần 69%. Số ca bệnh sởi nặng là 299 ca, các tỉnh chiếm hơn 78%.
Các tỉnh có số ca bệnh sởi chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1 nhiều nhất là Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bình Phước…
Từ đầu mùa dịch sởi năm 2024 đến nay, các bệnh viện của TP.HCM đã tiếp nhận 8.087 ca bệnh sởi từ các quận huyện của TP.HCM. Trong khi đó, các bệnh viện ở TP.HCM cũng tiếp nhận 12.226 ca bệnh sởi từ các tỉnh khác.
Bác sĩ Cao Minh Hiệp kiến nghị tiếp tục tăng cường năng lực tuyến trước và các tỉnh hạn chế chuyển viện. Vì theo hướng dẫn điều trị mới về bệnh sởi của Bộ Y tế và phân cấp điều trị thì nơi nào cũng điều trị được.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác tiêm chủng vắc xin sởi tại các tỉnh. Vì bệnh nhân nặng nằm ở khoa Hồi sức thì hơn 90% là chưa tiêm chủng sởi.
Xem xét trách nhiệm địa phương nếu để mắc bệnh sởi nhiều
Bác sĩ Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục phòng bệnh (Bộ Y tế), thông tin cả nước đến nay đã có hơn 52.000 ca bệnh sởi được báo cáo, nhưng trong thực tế có thể cao hơn.
Mặc dù phía nam, số ca bệnh nhiều nhưng ca mắc mới giảm mạnh. Trong khi đó, sau kỳ nghỉ tết năm 2025 thì miền Bắc, Bắc Trung bộ lại đang tiếp tục gia tăng ca mắc.
Bác sĩ Võ Hải Sơn đánh giá, sau chỉ thị của Thủ tướng vào tháng 11.2024 thì sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền địa phương rất hạn chế. Mặc dù có triển khai tiêm vắc xin sởi nhưng các tỉnh chủ quan nghĩ là dịch không đến tỉnh mình nên đăng ký vắc xin rất hạn chế; tổ chức tiêm chủng thì gần như chỉ có ngành y tế vào cuộc.

90% trẻ mắc sởi nặng là chưa tiêm vắc xin ngừa sởi
ẢNH: DUY TÍNH
"Chỉ thị mới nhất của Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi vào ngày 31.3. Sau đó, nếu tỉnh nào để ra số ca mắc cao thì có thể tiêm chủng không tốt. Việc này sẽ được báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế và Chính phủ để xem xét trách nhiệm", bác sĩ Võ Hải Sơn thông tin và đề nghị tăng cường tiêm bù, tiêm vét cho trẻ với hy vọng đến giữa tháng 4 thì dịch sởi sẽ giảm.
Ông nhấn mạnh phụ nữ trong độ tuổi sinh con thì cần quan tâm tiêm ngừa sởi để tạo miễn dịch cho con trẻ sau này. Vì hiện, nhiều trẻ sơ sinh đã mắc sởi.
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng, bằng chứng cho thấy, không tiêm vắc xin thì mắc bệnh sởi, tuổi nhỏ thì càng dễ mắc.
Theo ông, số ca bệnh sởi ở TP.HCM giảm nhưng nguy cơ vẫn còn khi số lượng bệnh nhân vẫn đông, nhất là các tỉnh lân cận chuyển đến. "Tỷ lệ bệnh nhân về TP.HCM rất nhiều vì phân tuyến chưa tốt và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo. Do đó, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trên sẽ tập huấn về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sởi mới ban hành ngày 26.3", TS Hà Anh Đức nói.
Dự báo dịch để dự phòng trước
Kết luận buổi làm việc, GS-TS Trần Văn Thuấn đánh giá cao Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có sự đầu tư bài bản, chuẩn mực về ứng phó với dịch bệnh. Đặc biệt, chính quyền TP.HCM kịp thời công bố dịch để có cơ sở pháp lý mua sắm trong phòng chống dịch. Vì vậy, dịch sởi giảm là tín hiệu vui cho TP.HCM và các tỉnh phía nam.
Tuy nhiên, theo thứ trưởng Bộ Y tế, số ca sởi mắc từ tuổi sơ sinh và trẻ trên 7 tuổi rất nhiều. Điều đó cho thấy có khoảng trống trong bao phủ vắc xin do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đặc biệt là do thời gian tập trung phòng chống Covid-19. Hy vọng dịch sởi sẽ được kiểm soát khi quyết liệt tiêm vắc xin theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra việc tiếp nhận, phân luồng và điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1
ẢNH: DUY TÍNH
Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện ở TP.HCM luôn sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị chống dịch. Tăng cường tập huấn, đào tạo, chỉ đạo tuyến trên nâng cao năng lực cho tuyến dưới.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh viện tăng cường công tác truyền thông, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để cho phụ huynh hiểu về tiêm vắc xin phòng bệnh. Cho phụ huynh hiểu biết về triệu chứng bệnh và khi nào cần nhập viện. Nội dung truyền thông gắn với trách nhiệm của giám đốc bệnh viện…
"Với bài học kinh nghiệm dịch bệnh xảy ra theo chu kỳ 5 năm thì cần dự báo, chuẩn bị chiến dịch tiêm đón đầu, hạn chế tối đa ca mắc. Đề nghị TP.HCM không chủ quan, tiếp tục rà soát để không bỏ sót người chưa tiêm", GS-TS Trần Văn Thuấn nói.