Mỹ khởi động chiến dịch cải tổ toàn diện Bộ Ngoại giao

"Bộ máy quan liêu lan rộng đã tạo ra một hệ thống phục vụ cho hệ tư tưởng chính trị cấp tiến thay vì thúc đẩy các lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi công bố một kế hoạch tái tổ chức toàn diện sẽ đưa Bộ vào thế kỷ 21", The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rubio ngày 22.4 cho biết.

Mỹ khởi động chiến dịch cải tổ toàn diện Bộ Ngoại giao  - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu tại Ireland ngày 12.3.2025

ẢNH: REUTERS

Nếu được chấp thuận, kế hoạch tái cấu trúc sẽ cắt giảm hơn 700 vị trí và loại bỏ 132 trong số 734 văn phòng hiện có, theo các viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, viên chức này nhấn mạnh đây mới chỉ là đề xuất ban đầu, chưa có bất kỳ đợt sa thải hay cắt giảm ngay lập tức nào.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sẽ bị sa thải sau đợt cải tổ này. Song, một bản tin của báo Free Press ngày 22.4 cho rằng Ngoại trưởng Rubio đang có kế hoạch yêu cầu cắt giảm 15% nhân sự trên diện rộng. Động thái trên sẽ đánh dấu mức cắt giảm lớn nhất trong đội ngũ ngoại giao trong nhiều thập niên.

Dù vậy, mức này vẫn thấp hơn đáng kể so với các đề xuất trước đó, trong đó có một báo cáo từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng từng kêu gọi giảm 50% ngân sách Bộ Ngoại giao.

Trong tuyên bố của mình, ông Rubio cũng thẳng thắn nhắm đến các cục, vụ có nhiệm vụ thúc đẩy dân chủ và nhân quyền toàn cầu, cáo buộc rằng những văn phòng này đã bị "phe cánh tả cực đoan lợi dụng để tái định nghĩa dân chủ và nhân quyền, rồi thực hiện các chương trình theo ý họ bằng tiền thuế của người dân Mỹ".

Ông chỉ trích mạnh mẽ Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, gọi đây là "bàn đạp cho các nhà hoạt động cánh tả công kích các lãnh đạo chống chủ nghĩa thức tỉnh ở Ba Lan, Hungary và Brazil, đồng thời biến sự thù địch với Israel thành hành động cụ thể như áp đặt lệnh cấm vận vũ khí".

Theo The Guardian dẫn một dự thảo lệnh hành pháp, đợt cải tổ trên sẽ đóng cửa hầu hết các hoạt động, đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ tại châu Phi.

Trước thông tin trên, bà Jeanne Shaheen, thành viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho rằng: "Bất kỳ thay đổi nào đối với Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đều phải được cân nhắc cẩn thận với chi phí thực tế đối với an ninh và sự lãnh đạo của Mỹ".

"Khi Mỹ rút lui, Trung Quốc và Nga có thể sẽ lấp đầy khoảng trống. Một Bộ Ngoại giao mạnh mẽ và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ sẽ thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ mở ra thị trường mới cho người lao động và các công ty Mỹ và thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu", theo bà Shaheen.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce ngày 22.4 phủ nhận tin đồn rằng tỉ phú Elon Musk - người dẫn đầu Ban Hiệu quả chính phủ Mỹ (DOGE), đứng sau kế hoạch cải tổ trên. Tuy nhiên, bà Bruce cũng thừa nhận cách tiếp cận của DOGE đã ảnh hưởng tới bản kế hoạch.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao