Để món ăn trở nên lành mạnh và có lợi cho sức khỏe, mọi người cần thực hiện những điều chỉnh sau khi chế biến món ăn:
Thêm rau
Một trong những cách nấu ăn ở nhà giúp món ăn lành mạnh hơn là hãy thêm rau củ vào công thức nấu. Các loại thực vật tốt cho sức khỏe là cải bó xôi, cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, nấm, cà rốt và khoai lang.
Đây đều là những nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ, và chất chống oxy hóa tuyệt vời, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, theo chuyên trang sức khỏe Prevention.
Chọn phương pháp nấu lành mạnh
Khi ăn bên ngoài, chúng ta không thể chủ động chọn cách chế biến. Nhiều món ăn được chế biến bằng chiên, nướng. Do đó, món ăn có nhiều dầu mỡ và không tốt cho sức khỏe.
Khi nấu ăn tại nhà, chúng ta được chủ động chọn cách chế biến. Thay vì chiên hay nướng, mọi người nên luộc, hấp hay xào với ít dầu mỡ. Ngoài ra, nếu bạn muốn nấu canh thì tránh luộc rau ở nhiệt độ cao để rau không quá chín.
Chọn loại dầu ăn phù hợp
Sau khi đã chọn phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn thì điều tiếp theo là cần chọn loại dầu ăn phù hợp. Mọi người nên ưu tiên các loại dầu ăn thực vật. Dầu bơ sẽ phù hợp với các phương pháp chế biến ở nhiệt độ cao như nướng, áp chảo, xào hay rang. Trong khi đó, dầu ô liu sẽ phù hợp khi dùng làm nguyên liệu chế biến các loại nước sốt hay rau trộn.
Thực vật tươi
Bên cạnh ăn các món đã nấu chín thì để bữa ăn lành mạnh hơn, chúng ta cũng có thể bổ sung các loại thực vật tươi như rau sống, trái cây hay các loại quả hạch như óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hồ trăn.
Chọn gia vị lành mạnh
Để tăng thêm hương vị cho món ăn, ngoài các loại gia vị chính như đường, muối hay bột ngọt thì mọi người có thể chọn thêm các loại gia vị lành mạnh khác. Nguyên tắc là hãy ưu các gia vị chứa ít calo, tốt cho sức khỏe như rau mùi, bạc hà, sốt, chanh, hương thảo, kinh giới hay húng quế.
Giảm tinh bột trắng
Mọi người cần giảm một phần tinh bột trắng như gạo, bánh mì trắng, bún, phở hay hủ tíu. Đồng thời, thay thế bằng tinh bột phức tạp như khoai, gạo lứt, yến mạch hay diêm mạch, theo Prevention.