Viêm có 2 loại là viêm cấp tính và mạn tính. Viêm cấp tính xuất hiện nhanh chóng, kéo dài chỉ vài giờ đến vài ngày. Trong khi đó, viêm mạn tính lại kéo dài nhiều tuần đến nhiều năm, liên quan đến các bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, xơ gan, viêm loét đại tràng, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Bất kỳ vết thương hay nhiễm trùng nào trong cơ thể cũng sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch và gây viêm. Tuy nhiên, phản ứng viêm sẽ giảm dần. Nếu sau 3 tháng mà tình trạng viêm không khỏi thì được gọi là viêm mạn tính. Viêm mạn tính có thể xảy ra cục bộ hay toàn thân.
Các triệu chứng thường gặp của viêm mạn tính
Khi bị viêm, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu và tập trung kém. Đây là lúc cơ thể đang chống chọi với chấn thương hay nhiễm trùng. Nếu các triệu chứng này dai dẳng, tái phát nhiều lần thì rất có thể là đang bị viêm mạn tính.
Những triệu chứng thường gặp khác của viêm mạn tính là sốt, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, tăng hay sụt cân không rõ nguyên nhân, có vấn đề về da, đau khớp hay đau cơ. Một triệu chứng khác cũng thường gặp là tái đi tái lại vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy hay trào ngược dạ dày.
Dễ mắc bệnh vặt cũng là dấu hiệu cảnh báo viêm mạn tính. Nguyên nhân là do tình trạng viêm kéo dài khiến hệ miễn dịch không còn đủ sức chống chọi với các loại viêm nhiễm thông thường khác.
Các nghiên cứu cho thấy viêm mạn tính làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch vành, tiểu đường loại 2, ung thư, Alzheimer, thận và một số vấn đề sức khỏe khác.
Để giảm viêm nhiễm mạn tính, một trong những điều đầu tiên cần làm là giảm ăn thực phẩm chế biến, các món có nhiều tinh bột trắng và chất béo có hại. Thay vào đó, mọi người nên ưu tiên ăn trái cây, rau củ, các loại quả hạch và ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, diêm mạch. Ngoài ra, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tập thể dục và vệ sinh răng miệng tốt cũng có tác dụng giảm viêm mạn tính, theo Healthline.