Bác sĩ (BS) Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần nhi và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc cá nhân.
Vừa qua, Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận bệnh nhân (BN) nữ 14 tuổi (học sinh tại Hà Nội) được cha mẹ đưa đến điều trị do có các biểu hiện: cáu gắt bất thường, buồn chán, cắt tay…; hành vi tự làm tổn thương được thực hiện nhiều lần vào nhiều thời điểm khác nhau, các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn với mục đích làm đau để giải tỏa cảm xúc.
BS Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi và thanh thiếu niên, cho hay BN đã có biểu hiện bệnh từ 3 năm nay. Qua trao đổi với BS điều trị, BN chia sẻ rằng do bố mẹ thường mâu thuẫn nên BN cảm thấy căng thẳng, bức bối, ức chế, khó thư giãn, giải tỏa, khó kiềm chế cảm xúc…
Đáng lưu ý, "BN luôn lo sợ bản thân bị bỏ rơi, đồng thời cũng dễ trở nên cáu gắt, bùng nổ cảm xúc do tự nghĩ rằng người khác coi thường hay muốn làm tổn thương mình từ những việc nhỏ nhặt thường ngày… Với trường hợp trên, chúng tôi chẩn đoán BN rối loạn nhân cách ranh giới có hành vi tự sát, tự hủy hoại", BS Yến cho biết.
Sau các đợt điều trị thuốc và can thiệp tâm lý, BN đã có cảm xúc ổn định hơn, hợp tác điều trị hơn, không có hành vi bất thường.
Phân biệt BPD và tâm lý lứa tuổi
BS Hoàng Yến chia sẻ: "Một số cha mẹ lúng túng, không biết vấn đề của các con là thay đổi tâm lý ở tuổi "nổi loạn" hay bất thường về sức khỏe tâm thần". Do đó, nếu sự "ẩm ương" của các con lan tỏa trong mọi tình huống thì nên lưu ý, nên xem xét kỹ hoàn cảnh. Khi con bướng bỉnh, cãi lại thì cần xem rõ bản chất sự việc, và lưu ý các hành vi đó có lặp đi lặp lại không. Khi băn khoăn về hành vi, tâm lý của con, cha mẹ nên chia sẻ, trao đổi để hiểu các con hơn.
"Cha mẹ có thể chủ động gặp bác sĩ để được tư vấn thêm về trường hợp con mình, chứ không nên ngay lập tức mang con đi khám tâm thần hay cứ áp đặt con bị rối loạn tâm thần. Vì có trường hợp, khi đưa con đi khám tâm thần thì chính cha mẹ lại cần được điều trị, điều chỉnh", BS Yến lưu ý.
Theo BS Lê Công Thiện, trong số các triệu chứng của BPD, nổi trội là triệu chứng "thực hiện những nỗ lực điên cuồng" để tránh bị bỏ rơi (có thể thực sự bị bỏ rơi hoặc chỉ là tưởng tượng). Những cá nhân này rất nhạy cảm với hoàn cảnh, môi trường sống. Họ có suy nghĩ bị bỏ rơi dữ dội; họ giận dữ không đáng có trước các tình huống thay đổi không thể tránh khỏi trong kế hoạch (ví dụ: hoảng sợ hoặc giận dữ khi chỉ chậm vài phút hoặc phải hủy cuộc hẹn).
"BN nỗ lực "điên cuồng" để tránh bị bỏ rơi có thể bao gồm các hành động bốc đồng như hành vi tự làm đau bản thân hoặc hành vi tự sát", BS Thiện lưu ý.
BN rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) có hành vi tự sát lặp đi lặp lại hoặc hành vi tự hủy hoại bản thân. Tự sát hoàn thành có ở 8 - 10% những người như vậy. Các hành vi tự làm tổn thương bản thân cũng như đe dọa và cố gắng tự sát là rất phổ biến.
Trước các vấn đề sức khỏe của các con, cha mẹ nên bình tĩnh nhìn nhận triệu chứng, luôn tôn trọng con, không quá lo lắng nhưng không quá thờ ơ.
(Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai)