Lộ diện nhóm nông sản giúp xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng vọt

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Mỹ.

Lộ diện nhóm nông sản giúp xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng vọt - Ảnh 1.

Thanh long nằm trong nhóm nông sản có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay

ẢNH: TN

Theo Bộ Công thương, so sánh với tháng 1, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 2 sang một số thị trường truyền thống và tiềm năng như: Trung Quốc, Thái Lan, Úc, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)... đều giảm. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu rau quả lại tăng ở các thị trường: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Cụ thể, nếu so sánh với tháng 2.2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang các thị trường: Trung Quốc, UAE, Hà Lan giảm nhưng xuất khẩu tới Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Úc và Đài Loan tăng khá mạnh.

Dẫn chứng trong tháng 2, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều biến động so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 305,8 triệu USD, chiếm 44,5% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Ngược lại, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng mạnh khi đạt 65,6 triệu USD, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Theo Bộ Công thương, Mỹ đang là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm nay, nhóm các mặt hàng nông sản như: dừa, thanh long, xoài và hạnh nhân có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong tổng kim ngạch rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Xuất khẩu rau quả sang Nhật Bản tăng mạnh

Cũng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công thương, sau thị trường Mỹ, xuất khẩu rau quả Việt Nam vào Nhật Bản đang trên đà tăng mạnh so với cùng thời điểm năm 2024.

Hiện nay, tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc đang là nguồn cung cấp rau củ quả và sản phẩm chế biến lớn nhất. Trong tháng 1.2005, kim ngạch xuất khẩu rau quả Trung Quốc vào Nhật Bản đạt 305,2 triệu USD, giảm 3,0% so với tháng 12.2024.

Sau Trung Quốc, Mỹ là nguồn cung cấp rau, củ, quả và sản phẩm chế biến lớn thứ hai cho Nhật Bản, đạt 112,1 triệu USD trong tháng 1, tăng 10,1% so với tháng 12.2024 và tăng 1,9% so với tháng 1.2024.

Trong tháng 1 năm nay, Việt Nam là nguồn cung rau củ quả và sản phẩm chế biến lớn thứ năm cho Nhật Bản khi đạt 22,1 triệu USD, giảm 8,2% so với tháng 12.2024 nhưng tăng 29,8% so với tháng 1.2024.

Cũng theo Bộ Công thương, nhu cầu rau củ quả và sản phẩm chế biến của Nhật Bản khá lớn, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn rất thấp. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu hàng rau quả thị trường này.

Nhưng các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, đây là thị trường có tiêu chuẩn rất cao đối với các loại rau quả nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ quy định từ thị trường Nhật Bản để đáp ứng đầy đủ điều kiện, quy định nhập khẩu của quốc gia này.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao