Chỉ huy lực lượng quân đội Việt Nam hỗ trợ Myanmar: 'Tìm người mất tích như tìm người thân'

2 lần được đại tướng Nguyễn Tân Cương căn dặn "tướng quân tại ngoại"

Ngày 30.3, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. Tại đây, đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã động viên, giao nhiệm vụ cho 80 quân nhân.

Chỉ huy quân đội Việt Nam hỗ trợ Myanmar: 'Tìm người mất tích như tìm người thân' - Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn

ẢNH: ĐÌNH HUY

Đặc biệt, đại tướng Nguyễn Tân Cương đã 2 lần căn dặn thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn - tổng chỉ huy các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar có quyền "tướng quân tại ngoại", những vấn đề có thể quyết định được thì phải chủ động, xử lý ngay tại chỗ, tránh để "mất thời cơ".

Cũng tại hội nghị, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ xin hứa đoàn kết, gắn bó, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong việc giúp Myanmar khắc phục thảm họa động đất.

"Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi xác định tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát giống như tìm kiếm người thân của mình. Đây là tình cảm, trách nhiệm, của đất nước ta, dân tộc ta, quân đội ta", ông nhấn mạnh.

Chỉ huy quân đội Việt Nam hỗ trợ Myanmar: 'Tìm người mất tích như tìm người thân' - Ảnh 2.

Đại tướng Nguyễn Tân Cương ôm động viên thiếu tướng Phạm Văn Tỵ

ẢNH: ĐÌNH HUY

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ từng đảm nhiệm vai trò tổng chỉ huy quân đội sang Thổ Nhĩ Kỳ cứu trợ sau thảm họa động đất hồi tháng 2.2023. Chia sẻ thêm về đợt cứu nạn, cứu hộ lần này, ông nhấn mạnh "với trang thiết bị hiện đại, cộng với khả năng tìm kiếm của chó nghiệp vụ và kinh nghiệm từng cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhiệm vụ hàng đầu là tìm kiếm nhanh nhất và cứu hộ những nạn nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát".

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ: 'Tìm người mất tích như tìm người thân'

Cạnh đó, 30 quân y từng có kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ quốc tế, có đầy đủ trình độ về nội, ngoại khoa, xử lý được cấp cứu và sơ cứu ban đầu. Qua đó, thiết lập độ cấp cứu dã chiến cứu chữa, cấp thuốc miễn phí cho người dân bị thương do thảm họa.

Nhận định về những khó khăn, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho rằng đó là rào cản về ngôn ngữ, ngoài ra hiện trường tại Myanmar có thể xuất hiện dư chấn sau động đất.

Vật bất ly thân của mỗi chiến sĩ khi cứu trợ

Lần thứ 2 thực hiện nhiệm vụ cứu trợ động đất ở nước ngoài, trung tá Lại Bá Thành (bác sĩ Khoa Gan - mật tuỵ, Bệnh viện quân y 103), cho biết, khoảng 15 giờ ngày 29.3, sau khi nhận chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đội quân y nhanh chóng chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị.

So với lần chuẩn bị cứu trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, đối với trung tá Thành, nhiệm vụ lần này có điểm đặc biệt hơn là sớm hơn, nguy hiểm hơn. Cạnh đó, địa hình, thời tiết tại Myanmar khác so với Việt Nam và tình hình chính trị cũng phức tạp.

Chỉ huy quân đội Việt Nam hỗ trợ Myanmar: 'Tìm người mất tích như tìm người thân' - Ảnh 3.

Trung tá Lại Bá Thành

ẢNH: ĐÌNH HUY

Theo trung tá Thành, để thực hiện nhiệm vụ, mỗi chiến sĩ phải thành thục kỹ năng sống của bản thân, am hiểu kỹ năng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và phối hợp với các lực lượng khác để giữ an toàn của toàn đội.

Vị trung tá tiết lộ vật bất ly thân của anh sẽ là ba lô chứa trang thiết bị cá nhân có thể đảm bảo sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt. Đặc biệt, phải có ý chí và xác định hoàn thành nhiệm vụ là trên hết.

Trong khi đó, trung tá Trần Trung Dũng, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh, chia sẻ đội công binh làm nhiệm vụ lần này gồm 30 người, trong đó có 6 sĩ quan và 24 quân nhân chuyên nghiệp. Những người được chọn đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ năng lực chuyên môn giỏi và sử dụng thành thạo từ 2 - 3 trang bị. Ngoài ra, có những chiến sĩ đã từng tham gia đội công binh gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.

Theo trung tá Dũng, các trang bị cứu hộ, cứu nạn được sử dụng khi cứu trợ chủ yếu là những trang bị cứu hộ, cứu nạn cầm tay nhỏ gọn nhưng có khả năng phát hiện, tìm kiếm những nạn nhân bị nạn rất cao. Điển hình như các trang bị máy soi chiếu có thể tìm kiếm nạn nhân cách xa 15 m, cách bức tường 10 cm.

Chiều tối 30.3, đội cứu hộ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gồm 106 người cùng hàng cứu trợ đã hạ cánh xuống sân bay Yangon, Myanmar. Sau đó, đoàn Việt Nam tiếp tục di chuyển bằng ô tô tới điểm tập kết ở thủ đô Nay Pyi Taw, cách Yangon hơn 450 km, để trao đổi, phối hợp với phía bạn triển khai phương án tìm kiếm các nạn nhân.

Theo thông báo của phía Myanmar, dự kiến đoàn Việt Nam sẽ hành quân đến thành phố Mandalay, cách thủ đô Naypyidaw khoảng 200 km, vì đây là khu vực tâm chấn và thiệt hại nặng về người, trong đó nhiều nạn nhân vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho biết thêm, ngay sau khi đến Mandalay, lực lượng cứu hộ của Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, tổ chức các lực lượng trinh sát thực địa, xác định quyết tâm và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân. 

Lực lượng Quân đội Việt Nam trinh sát hiện trường động đất tại Myanmar

Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ chia làm 3 mũi đi theo 3 hướng tìm kiếm với tinh thần nhanh nhất có thể, nhằm giảm thiểu thiệt hại, mất mát, đau thương cho đất nước và nhân dân Myanmar.

"Với tinh thần quyết liệt, lực lượng trong đoàn công tác không quản ngại khó khăn, gian khổ. Hiện nay, đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng cũng như Bộ Công an có mặt ở Myanmar sẵn sàng nhận và thực hiện các nhiệm vụ sau khi trao đổi, thống nhất với phía bạn", thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khẳng định.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao