Hơn 45.000 tỉ đồng gom mua cổ phiếu, VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm

Dù vẫn đóng cửa trong sắc đỏ nhưng mức giảm của các cổ phiếu đã ít hơn so với đầu phiên. Chốt phiên, VN-Index giảm 19,17 điểm, tương ứng giảm 1,56% xuống 1.210,67 điểm. Như vậy, VN-Index đã giữ lại được mức 1.200 điểm sau khi lao dốc khỏi ngưỡng này trong phiên sáng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 3,97 điểm, tương ứng giảm 1,8% xuống 216,97 điểm. Ngược lại, UPCoM-Index đã hồi phục mạnh và tăng 0,56 điểm lên 91,13 điểm.

Hơn 45.000 tỉ đồng gom mua cổ phiếu, VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm - Ảnh 1.

Dòng tiền bắt đáy nhiều cổ phiếu phiên 4.4 gia tăng giúp VN-Index lấy lại mức 1.200 điểm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm áp đảo trên sàn như HOSE có 354 cổ phiếu giảm, trong đó có 101 mã nằm sàn và có 138 mã tăng. Số lượng cổ phiếu giảm sàn đã giảm gần một nửa trong với buổi sáng. Nhóm cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30 đã có sự phân hóa trở lại thay vì cùng nhau đi xuống. Cuối phiên bất ngờ cổ phiếu LPB của ngân hàng Lộc Phát tăng trần hết biên độ lên 32.950 đồng. Bộ ba cổ phiếu "họ" Vingroup gồm VIC, VHM và VRE cũng lội ngược dòng thành công khi đóng cửa trong sắc xanh. Đây là những mã đóng góp tích cực giúp VN-Index bớt đà lao dốc. Ở nhóm tăng trở lại còn có các cổ phiếu ngân hàng gồm STB, SSB, VIB, SHB trong khi các mã khác vẫn tiếp tục đi xuống như VCB, TCB, TPB, VPB, ACB, CTG, HDB...

Phiên này, ngành năng lượng là nhóm có mức giảm mạnh nhất thị trường với 6,13% chủ yếu đến từ các mã PVS (-5.73%), PVD (-6.8%), PVB (-6.03%) và PVC (-8.08%). Theo sau đó là ngành nguyên vật liệu và tiêu dùng không thiết yếu với mức giảm lần lượt 3,71% và 2,74%.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng cao với giá trị giao dịch hơn 45.217 tỉ đồng. Lượng mua chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện vì khối ngoại vẫn bán ròng trị giá khoảng hơn 1.700 tỉ đồng trên sàn HOSE.

Đợt bán tháo ở nhiều cổ phiếu trong hai ngày 3 - 4.4 trên sàn chứng khoán Việt Nam được đánh giá xuất phát từ tâm lý lo sợ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế đối ứng với nhiều nước, riêng Việt Nam bị áp đến 46%.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Công ty quản lý quỹ Vina Capital, nhận định: "Thông báo thuế quan ngày 3.4 của Mỹ tiêu cực hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi. Chúng tôi hiện đang đánh giá tác động của mức thuế đối với các kịch bản đã thiết lập cho các danh mục đầu tư khác nhau, và đang tìm kiếm cơ hội mua vào khi giá cổ phiếu giảm trong ngắn hạn trong bối cảnh tác động tiềm tàng lâu dài đối với cả nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn. Những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP. Trong tháng 2, Chính phủ đã công bố tăng kế hoạch tăng chi cho đầu tư công, vốn đã rất tham vọng trong năm nay - và thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa này".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao