Chiều nay (4.4), tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam cùng hơn 40 lãnh đạo của 21 trường ĐH từ 17 bang của Mỹ đã có buổi gặp gỡ, trao đổi với các trường ĐH Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác cho 2 bên.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác học thuật quốc tế (International Academic Partnership Program - IAPP) do Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT Việt Nam cùng Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE) triển khai.
Xây dựng chương trình, thu hút sinh viên quốc tế
Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, PGS-TS Phạm Thành Dương, Trưởng khoa Kỹ thuật Trường ĐH Việt Đức, cho biết tham gia buổi gặp gỡ hôm nay với các trường ĐH Mỹ, trường có 2 mục tiêu muốn hướng tới trong tương lai gần.

Gần đây sinh viên Mỹ có xu hướng đến học ở nhiều nước châu Á, vì vậy trong tương lai trường ĐH Việt Nam có nhiều cơ hội đón sinh viên từ quốc gia này sang học tập
ẢNH: MỸ QUYÊN
"Chúng tôi mong muốn thu hút sinh viên từ Mỹ tới học tập tại Trường ĐH Việt Đức vì thế mạnh của trường là chương trình đào tạo chuẩn châu Âu. Những năm trước, bạn trẻ Mỹ không có truyền thống ra nước ngoài học nhưng gần đây các bạn đã có xu hướng rời Mỹ đến nhiều quốc gia khác học tập, trong đó có các nước châu Á nên đây cũng là cơ hội cho Việt Nam", PGS-TS Dương chia sẻ.
Ở mục tiêu thứ 2, theo tiến sĩ Dương, Trường ĐH Việt Đức mong muốn hợp tác đào tạo ở ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đã tìm thấy điểm chung với một số trường, trong đó có ĐH Tiểu bang Oregon.
Trong khi đó, đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho hay thời gian qua trường đã liên kết đào tạo với một số trường ở Mỹ, lần này tham gia chương trình là nhằm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác liên kết với Mỹ trong việc phát triển chương trình đào tạo mới cho các ngành thiết kế vi mạch, công nghệ tài chính, bán đẫn, phát triển môi trường bền vững...; trao đổi sinh viên, giảng viên; tìm nguồn tài trợ nghiên cứu, nguồn học bổng cho sinh viên của trường sang học thạc sĩ, tiến sĩ…
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng thông qua hoạt động này, trường sẽ tiếp tục tiến đến việc hợp tác sâu rộng về đào tạo, nghiên cứu, trao đổi sinh viên với nhiều trường ĐH lớn của Mỹ, để mở rộng cơ hội cho sinh viên được lựa chọn đa dạng các chương trình đào tạo, tiếp cận tri thức tiên tiến ngay tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.
"Không chỉ vậy, việc này còn mở ra những cơ hội mới đầy triển vọng cho sinh viên trong việc bước ra thế giới và chinh phục thị trường lao động trong bối cảnh mới", thạc sĩ Tư nhận định.
PGS-TS Lê Khắc Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, thông tin các định hướng mà trường muốn hợp tác bao gồm phát triển chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực công nghệ cao, trao đổi học thuật – sinh viên và đồng hành cùng doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực quốc tế.
Góp phần nâng cao chất lượng đào tạo
Tại sự kiện, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT, nhận định một trong những thách thức lớn hiện nay đối với giáo dục ĐH Việt Nam chính là vấn đề chất lượng. "Tọa đàm lần này không chỉ mở ra cơ hội để đẩy mạnh các yếu tố quốc tế trong các trường ĐH tại Việt Nam, mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hiệu quả quản trị và năng lực điều hành, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập toàn cầu", ông Dũng chia sẻ.

Các trường trao đổi trực tiếp với nhau để tìm ra mục tiêu hợp tác chung
ẢNH: MỸ QUYÊN
Theo ông Dũng, Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc từ các cơ sở giáo dục ĐH để từ đó phối hợp cùng các cơ quan liên quan tìm ra giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Natella Svistunova, Tùy viên văn hóa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, khẳng định phái đoàn giáo dục của Mỹ sang Việt Nam lần này đông nhất từ trước tới nay.
Bà Natella Svistunova cho biết: "Trong chuyến đi này, các trường ĐH Mỹ cũng mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác ở nhiều ngành, đặc biệt là các ngành bán dẫn, khoa học, kỹ thuật... Trong đó, có các hợp tác về xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, nghiên cứu… Mỹ cũng mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực bán dẫn, STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán)".
21 trường ĐH của Mỹ tham gia chương trình, gồm: Colorado State University; Duke University; North Carolina A&T State University; Ohio University; Oklahoma State University; Orange Coast College; Oregon State University; Rutgers University; Stanford University; The University of Tulsa; Towson University; University of Alabama; University of Cincinnati; University of Connecticut; University of Illinois Urbana-Champaign; University of Kentucky; University of Massachusetts Amherst; University of Nebraska–Lincoln; University of Vermont; University of Wyoming; Washington University in St. Louis.
15 trường ĐH của Việt Nam khu vực từ Đà Nẵng trở vào, gồm: ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Nha Trang; các trường ĐH Bách khoa, Khoa học tự nhiên, Quốc tế, Công nghệ thông tin và An Giang thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Nông lâm, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Cần Thơ.