Mở đường sang các thị trường mới

Mở đường sang các thị trường mới- Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ có giải pháp “nuôi” thị trường này, đồng thời tìm hướng mở thị trường mới

ẢNH: NG.NGA

Sẵn sàng phương án đàm phán mức thuế với Mỹ

Liên quan đến việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa từ VN, có hiệu lực từ 9.4, trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), phân tích: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta nên quyết định áp thuế đối ứng 46% như trên sẽ ảnh hưởng lớn tới các ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) FDI bị ảnh hưởng đầu tiên bởi tỷ trọng xuất khẩu của nhóm này rất lớn, tập trung chủ yếu là hàng điện tử, công nghệ cao, điện thoại di động… 

Đối với DN trong nước, lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn là nông, lâm, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, da giày. Riêng ngành gỗ năm 2024 xuất khẩu ra thế giới khoảng 15 tỉ USD, thị trường Mỹ đã hơn 9 tỉ USD, là con số rất lớn. "Tăng trưởng kinh tế của VN chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Bởi vậy, khi DN xuất khẩu bị ảnh hưởng, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng", ông Phương nói.

Mở đường sang các thị trường mới- Ảnh 2.

Các DN xuất khẩu được khuyến cáo tăng cường tận dụng các thỏa thuận giữa VN và các đối tác để tìm kiếm thị trường mới

ẢNH: Đ.T

Năm 2025, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỉ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và VN tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Bộ cũng đánh giá trong trường hợp VN và Mỹ không tìm được giải pháp tích cực, việc áp thuế đối ứng 46% sẽ tạo tác động tiêu cực nhất định đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2025 của Bộ Công thương chiều qua (4.4), trước câu hỏi bộ đã tính đến phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu năm nay hay chưa, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ: "Chưa vội gì phải bàn câu chuyện điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu, phải vượt qua thách thức, tìm ra cơ hội mới. Mọi thứ đều phải bình tĩnh để xem xét toàn diện".

"Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm, đồng thời có liên hệ ngoại giao qua các kênh khác nhau, cố gắng thu xếp để có cuộc điện đàm giữa bộ trưởng với Trưởng đại diện Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR). Đã điện đàm phải có hai bên, ít nhất ta phải sẵn sàng, không chỉ sẵn sàng điện đàm mà còn phải chuẩn bị rất nhiều nội dung. Đó là những nội dung phía Mỹ quan tâm, những cái ta giải thích rõ hơn, cụ thể hơn các vấn đề về thuế, các chính sách xuất nhập khẩu… cũng như nội dung khác liên quan", ông Tân cho hay.

Ông Tân cho biết thêm Bộ Công thương đang đề nghị Đại sứ quán VN tại Mỹ cũng như Trưởng cơ quan Thương vụ VN tại Mỹ tích cực, chủ động liên hệ các kênh khác, hy vọng sẽ có thông tin sớm. "Tuần tới sẽ có đoàn công tác của VN sang Mỹ do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng trên tinh thần gặp được là có các nội dung trao đổi ngay. Tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi liên quan vấn đề đàm phán mức thuế với phía Mỹ như thế nào, hiện đã sẵn sàng những phương án phối hợp, triển khai", Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Với các DN, ông Tân khuyến nghị ngoài rà soát hoạt động kinh doanh, cần chủ động trao đổi với đối tác nhập khẩu các nước để cùng nhau đưa ra giải pháp phù hợp.

Thúc đẩy đàm phán FTA với Trung Đông, Mỹ Latin

Theo ông Lê Quốc Phương, để thích ứng với chính sách thuế mới của Mỹ, DN phải thực hiện loạt giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, cần đàm phán với các nhà nhập khẩu tại Mỹ để chia sẻ gánh nặng. Cùng đó, cần cắt giảm, tiết kiệm tối đa chi phí để giữ được lợi nhuận và thị trường Mỹ vì đây vẫn là thị trường lớn, tiềm năng. Các DN nên chấp nhận lợi nhuận thấp trong ngắn hạn để tiếp tục có nhiều giải pháp thúc đẩy giảm thuế trong tương lai.

Trong dài hạn, vị chuyên gia nhấn mạnh: "DN cần tiếp tục quá trình cắt giảm chi phí nhiều hơn nữa, đồng thời đa dạng hóa thị trường. Chúng ta hiện nay phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ với gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, rủi ro là khá lớn. Thực tế các DN đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường, song cần tăng cường hơn nữa, đây là việc tốn kém song phải làm".

Theo Bộ Công thương, các DN xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. "Thị trường Mỹ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của VN sang Mỹ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của VN. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. VN còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới. Bộ Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực mở đường xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều dư địa", ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương), nói.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên tại buổi họp báo hôm qua, ông Linh nêu rõ Bộ Công thương đang thúc đẩy đàm phán FTA với các nước trong khu vực Mỹ Latin, Nam Á, Đông Âu, Trung Đông… Gần đây nhất, Tổng thống Brazil thăm VN và chúng ta đã tranh thủ cơ hội thúc đẩy đàm phán FTA với Khối Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (Mercosur) thông qua Brazil, bởi đây là quốc gia rất có uy tín trong khối. Trước mắt, hai bên đã lập tổ công tác giữa VN và Brazil để tìm ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại đôi bên, qua đó thúc đẩy FTA. Sắp tới, Bộ Công thương tiếp tục thúc đẩy FTA với các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập và một số nước khác.

Trong bối cảnh thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa VN vào nhiều thị trường truyền thống có thể giảm sút, ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), nhấn mạnh phải tăng cường xúc tiến thương mại sang các thị trường mới, thay thế.

"Hằng năm, Bộ Công thương cũng xây dựng Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia. Chúng tôi đang báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét đẩy mạnh chương trình này để thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm nay chuyển thời điểm về giữa năm là khoảng tháng 6, tháng 7 và có thể có cả chương trình tổ chức dịp cuối năm như thường lệ. Bộ Công thương xác định thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa của DN VN cả trong nước lẫn xuất khẩu", ông Tài cho biết.

DN xuất khẩu tỉ USD tìm cách ứng phó

Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty máy Thép Việt - DN đang có 25% doanh thu từ xuất khẩu máy móc, thiết bị công nghiệp sang thị trường Mỹ, cho biết từ hơn 2 tháng qua, các đơn hàng mới xuất đi Mỹ đã bị đối tác dừng không ký tiếp vì chờ chính sách thuế mới của Mỹ. "Đó là những khách hàng lớn mà công ty đã mất rất nhiều thời gian đàm phán, gặp nhau trao đổi nhiều lần và đã chốt tất cả điều kiện kỹ thuật, làm hàng mẫu... Nay thông tin thuế đối ứng thế này, việc ký hợp đồng tiếp tục ngưng. DN nay chỉ biết trông chờ đàm phán cấp Chính phủ", ông Sơn nói.

Theo ông Kiều Huỳnh Sơn, với 25% doanh thu, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng của công ty. Trước mắt, công ty phải tăng tốc tăng lượng đơn hàng sang các thị trường khác để bù vào, như Canada, Mexico, Úc, khu vực Nam Á, Trung Đông… "Hướng đi sắp tới của chúng tôi là vẫn chăm sóc khách hàng ở Mỹ, bởi đó là khách hàng quan trọng. Thậm chí công ty sẵn sàng chia sẻ bớt phần thuế nhập khẩu phải đóng với đối tác nếu mức thuế đối ứng dao động trong khoảng 20 - 25%. Mặt còn lại, cố gắng mở rộng thị trường đã khai thác bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại, chấp nhận giá cả cạnh tranh hơn, cố gắng thế nào để mỗi thị trường đẩy thêm 2 - 3% doanh số".

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty CP cơ khí Duy Khanh, hàng phụ tùng máy móc của công ty sản xuất, xuất khẩu tại chỗ là chủ yếu, tức là bán cho các DN FDI tại VN, chiếm 50% tổng doanh thu. Tuy nhiên, công ty vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp vì các DN FDI này lấy hàng xuất đi Mỹ. "Chúng tôi có khách hàng nhỏ xuất đi Mỹ, đơn hàng dự kiến hôm nay (5.4) là xong. Tuy nhiên, không thể xuất đi kịp trước ngày 9.4 rồi, nên tới đâu hay tới đó", ông Tống nói. Về chiến lược đa dạng hóa thị trường, ông Tống thừa nhận việc tìm cho được một thị trường mới để có đơn hàng trị giá hàng tỉ đồng không dễ, không phải công việc của vài ngày hay vài tuần. Mở thị trường là một quá trình, vô cùng gian nan. Có đối tác mà từ khi gặp nhau, đến trao đổi, đặt lô hàng mẫu và lô hàng chính thức mất cả năm. Nhanh nhất cũng mất hơn nửa năm mới chốt được hợp đồng. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, chiến lược tìm thị trường mới là điều bắt buộc, và sẽ được thực hiện quyết liệt hơn.

Hội DN cơ khí - điện TP.HCM, trong kế hoạch mở rộng thị trường, năm nay sẽ tham gia xúc tiến thương mại sang các thị trường Úc, Mỹ, Nhật và Đức. Ông Kiều Huỳnh Sơn với tư cách là Phó chủ tịch thường trực của Hội, cho biết sau đợt thuế đối ứng này, DN đề xuất thực hiện các đợt xúc tiến sang thị trường Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ.

Trong khi đó, một DN chuyên sản xuất bo mạch tại TP.HCM, gia công cho DN nước ngoài xuất sang Mỹ, buồn bã thông tin toàn bộ đơn hàng gia công của công ty đã bị "giữ" lại từ cuối tháng 3. Đến nay, công ty cũng đã hủy lệnh đặt tàu xuất đi Mỹ và hiện tạm ngưng sản xuất đơn hàng, cho kỹ sư nghỉ lễ sớm. Ông H.V.T, Giám đốc công ty, chia sẻ: "Tình hình khó khăn lắm, trong thời gian tới, công ty sẽ cố gắng chủ động sàng lọc, tinh gọn, thậm chí cắt giảm nhân sự và thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn hiện tại để có thể "sống sót". Nếu đánh thuế đối ứng, đơn hàng chắc chắn sẽ giảm, nên việc tối ưu hóa chi phí là điều chúng tôi đặt lên từ đầu năm. Sẽ điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, vẫn tận lực khai thác thị trường Mỹ, song song đó, tiếp cận cách ứng phó thứ 2 là tìm đối tác mới tại các thị trường ngoài Mỹ. Chẳng hạn, thay đổi thứ tự ưu tiên, các thị trường thứ yếu, nay đưa lên ưu tiên hơn để chuyển hướng kinh doanh, nếu có".

Theo các chuyên gia thương mại, trong xu hướng toàn cầu hóa, các thị trường đều mở cửa, nên việc tìm kiếm đầu ra có thể nhanh chóng. Tuy vậy, việc đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường mới cần phải có thời gian. "Việc thay đổi sản phẩm/dịch vụ để thỏa mãn yêu cầu của thị trường mới cần có bước đi bài bản và chắc chắn. Vì vậy, DN nào không thay đổi hoặc không đủ lực để thay đổi thì sẽ bị loại khỏi "cuộc chơi". Như vậy, chi phí DN bỏ ra để đi tìm thị trường mới sẽ "đổ sông đổ bể". Một lưu ý không thừa trong xu hướng đi tìm thị trường mới là DN phải đặc biệt chú ý việc bán thứ họ cần, không phải bán thứ mình có. Hàng bán sang nước Mỹ, được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng, chưa chắc người tiêu dùng ở thị trường Trung Đông mua ngay", chuyên gia thương mại Nguyễn Lý Trường An lưu ý.

5 khuyến nghị của Bộ Công thương để giảm thiểu rủi ro

Thứ nhất, DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ ba, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu: chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Thứ tư, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại. Các DN nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.

Thứ năm, chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao