Nhập khẩu 8,2 triệu tấn lúa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo

Hoạt động này mang lại lợi ích cho cả người bán và người mua. Nông dân Campuchia có thể bán được lúa với giá tốt hơn, đồng thời cũng cho thấy vai trò ngày càng lớn của các nhà xuất khẩu Việt Nam trong việc tham gia vào thị trường lúa gạo khu vực và thế giới.

Đây là thông tin đáng chú ý tại hội thảo "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới" do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp cùng Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và trang Việt Nam đầu tư tổ chức chức tại TP.Cần Thơ ngày 4.4. Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia đến từ Bộ NN-MT, Bộ Công thương, các hiệp hội, viện trường liên quan đến ngành hàng lúa gạo; cùng 300 doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, hợp tác xã và nông dân.

Tiếp tục nhập khẩu lúa từ Campuchia

Hội thảo tập trung vào các vấn đề then chốt như chính sách hỗ trợ của Chính phủ, giải pháp nâng cao giá trị và định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường toàn cầu, ổn định giá xuất khẩu, cân đối cung cầu và tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA, cho biết cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay chủ yếu tập trung vào ba phân khúc: gạo thường, gạo chất lượng cao và gạo cấp cao. Đáng chú ý, gạo chất lượng cao đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 60% đến 70% tổng lượng xuất khẩu. Gạo cao cấp có thương hiệu chiếm khoảng 15%, trong khi gạo thường chiếm phần còn lại, từ 10% đến 15%.

Nhập khẩu 8,2 triệu tấn lúa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo- Ảnh 1.

Ghe mua lúa Campuchia đậu trên kênh Vĩnh Tế, An Giang

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, thể hiện qua sản lượng và doanh thu không ngừng gia tăng. Từ mức 6 triệu tấn các năm trước, xuất khẩu gạo đã tăng lên 7,5 triệu tấn vào năm 2022 và đạt kỷ lục 9,18 triệu tấn trong năm 2024, mang về doanh thu trên 5,7 tỉ USD. Riêng quý 1 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 2,25 triệu tấn gạo, tiếp tục tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024.

Nhập khẩu 8,2 triệu tấn lúa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo- Ảnh 2.

Số liệu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 và quý 1 năm 2025

ẢNH: VFA

Ông Nam cũng chỉ ra hai hình thức hoạt động chính của ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay. Thứ nhất là về sản xuất và xuất khẩu từ nguồn cung trong nước. Hiện, diện tích trồng lúa có xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu của Chính phủ, dự kiến sản lượng chỉ còn khoảng 3-4 triệu tấn gạo. Điều này đặt ra thách thức về việc đảm bảo nguồn cung nếu mở rộng thị trường xuất khẩu, hoặc nguy cơ bị ép giá nếu không mở rộng.

Thứ hai, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã chủ động thu mua lúa gạo từ nước láng giềng, đặc biệt là Campuchia, để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của VFA, trong những tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 1,14 triệu tấn lúa từ Campuchia, tương đương khoảng 600.000 tấn gạo. Trước đó, nước ta cũng nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn lúa từ Campuchia trong năm 2023 và tăng lên 3,8 triệu tấn trong năm 2024, chủ yếu là giống cấp thấp IR50404. Điều này giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ổn định nguồn cung; đồng thời cũng thể hiện vai trò ngày càng lớn của các nhà xuất khẩu Việt Nam trong việc tham gia vào thị trường lúa gạo khu vực và thế giới.

Nhập khẩu 8,2 triệu tấn lúa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo- Ảnh 3.

Ghe mua lúa Campuchia tập kết tại biên giới An Giang giáp Campuchia

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Chủ tịch VFA cũng thông tin, những năm tới, ngành lúa gạo đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình xuống không quá 10% vào năm 2030, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica và gạo đặc sản lên khoảng 45%.

Nhập khẩu 8,2 triệu tấn lúa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo- Ảnh 4.

Tỷ trọng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

ẢNH: VFA

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, VFA kiến nghị các bộ ngành liên quan tăng cường các chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện về vốn và hoàn thuế cho doanh nghiệp, nâng cấp hạ tầng logistics và quy hoạch vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại các địa phương. Đại diện VFA cũng nhấn mạnh, sự cần thiết của việc mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng cần có chiến lược ổn định cho từng thị trường cụ thể.

Định vị thương hiệu gạo Việt

Tại hội thảo, các chuyên gia của đã đề cập đến các vấn đề như công nghệ sản xuất, giống lúa mới, các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị của gạo Việt Nam, tạo động lực và cải thiện đời sống nông dân.

Theo TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng, để "định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới" công tác chọn tạo giống cần chú trọng hơn đến phẩm chất gạo, phân chia theo các phân khúc thị trường khác nhau. "Đến giờ này, chúng ta có bộ giống tương đối tốt. Tuy nhiên, Viện lúa ĐBSCL không chủ quan, bằng lòng với hiện tại về bộ giống. Bởi nếu không tập trung nghiên cứu cải thiện nữa thì giống lúa vốn có vòng đời 10 năm nữa như giống OM5451, OM18 liệu có tồn tại hay không? Trồng 20-30 vụ liên tục thì giống từ kháng sâu bệnh sẽ bị nhiễm sâu bệnh lại", ông Thạch nói và thông tin: Viện lúa ĐBSCL đang tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống, lựa chọn những giống phổ biến, cải thiện thêm khả năng chống chịu sâu bệnh bằng cách lai tạo, vẫn giữ được chất lượng gạo và những đặc tính cơ bản của giống đó. Cùng với đó là tiếp tục ứng dụng những kỹ thuật, công nghệ tạo ra những chủng loại giống theo các phân khúc để không bị động, cần gạo gì, có giống đó.

Nhập khẩu 8,2 triệu tấn lúa để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu gạo- Ảnh 5.

Các chuyên gia trao đổi về các giải pháp "định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới"

ẢNH: ĐÌNH TUYỂN

Về xây dựng thương hiệu gạo, TS Trần Hữu Hiệp, nguyên Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, cho rằng, cần có sự phối hợp liên ngành và tiếp cận đa lĩnh vực trong việc phát triển thương hiệu gạo Việt Nam. Công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương hiệu gạo, từ công tác giống, tổ chức sản xuất, chế biến đến marketing và xây dựng thương hiệu. Tiếp đến, xây dựng thương hiệu gạo cần phải đi từ việc tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa, truyền thống gắn với hiện đại.

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, cũng cập nhật về tiến độ triển khai "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030". Dự án từng bước cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc nâng cao giá trị hạt gạo và giảm phát thải. 

Theo đó, so sánh hiệu quả lúa 1 triệu ha và canh tác theo nông dân thì tham gia vào đề án sẽ đem lại hiệu quả như: Giảm giống 50%; giảm phân bón đạm 30%; giảm thuốc bảo vệ thực vật 30%; giảm đổ ngã, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%; giảm phát thải trung bình 5 T CO2/ha/vụ. Đặc biệt là tăng lợi nhuận khoảng 5 triệu ha/vụ. Tuy nhiên, ông Tùng kiến nghị cần tăng cường kết nối hiệu quả giữa các tác nhân của chuỗi giá trị gồm nông dân, dịch vụ, công ty xuất khẩu, thị trường, tài chính, tiêu chuẩn lúa Việt xanh, phát thải thấp; đồng thời, đẩy mạnh chia sẻ/ trao đổi kiến thức thị trường, công nghệ, kinh nghiệm áp dụng mô hình 1 triệu ha…

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao