Doanh nghiệp mong được gặp lãnh đạo TP
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 1/2025, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết phấn đấu trong năm 2025 sẽ giải quyết 100% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM và 50% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của các cơ quan T.Ư.

Dự án Tân An Huy “trùm mền” nhiều năm nhưng không được đưa vào danh sách tháo gỡ khó khăn lần này
ẢNH: Đình Sơn
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết dự án của họ dù bị tắc nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự quan tâm tháo gỡ nên không biết cam kết nói trên có kịp tiến độ hay không. Ông Nguyễn Hồng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy - chủ đầu tư dự án cùng tên ở H.Nhà Bè, nói đã nhiều lần có đơn, công văn gửi Chủ tịch UBND TP.HCM trước đây và hiện tại cùng lãnh đạo Tổ Công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn xin được gặp trực tiếp để trình bày khó khăn, vướng mắc nhằm đưa dự án khởi động trở lại. Tuy nhiên, tất cả đều không được hồi âm.
Theo ông Hải, dự án Tân An Huy đã được TP giao đất hơn 20 năm; trong quá trình thực hiện đã có nhiều sai phạm được Thanh tra Chính phủ thanh tra và kết luận. DN đã và đang cố gắng khắc phục những sai phạm này trong điều kiện có thể làm được. Đến nay DN đã có đủ các điều kiện để tiếp tục thực hiện dự án nhưng chỉ vướng một nút thắt là theo Thanh tra Chính phủ, công ty phải khắc phục xong hết sai phạm mới được xem xét báo cáo UBND TP cho phép tiếp tục thực hiện dự án. Đây thật sự là khó khăn lớn cho DN nên ông Hải rất mong được Chủ tịch UBND TP.HCM và Tổ Công tác đặc biệt quan tâm tháo gỡ bằng cách quyết định cho phép công ty tiếp tục thực hiện dự án. "Dù vậy chúng tôi không biết làm thế nào để dự án được đưa vào kế hoạch tháo gỡ khó khăn lần này", ông Hải chia sẻ.
"DN chưa có lần nào được mời họp để trình bày trực tiếp mà chỉ được yêu cầu báo cáo bằng văn bản. Dù vậy, các văn bản gửi đi rất nhiều nhưng không nhận được hồi âm. Không hiểu cơ chế làm việc của tổ công tác thế nào. Chúng tôi rất muốn gặp trực tiếp lãnh đạo TP để báo cáo các khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải, từ đó trình bày, đề xuất hướng tháo gỡ, lối ra cho dự án, nhưng không được. Vì vậy DN chỉ biết ngồi đợi", Chủ tịch HĐQT Công ty Tân An Huy nói thêm.
Mong dự án sớm được gỡ vướng
Tương tự, lãnh đạo Công ty PK cho biết hiện DN có 4 dự án ở TP.HCM và đều gặp các vấn đề khác nhau khiến nhiều năm qua không thể triển khai. DN đã làm việc với T.Ư, với TP nhiều lần nhưng việc tháo gỡ vướng mắc rất chậm, thậm chí có tình trạng các sở, ngành đá trách nhiệm cho nhau. Chính vì vậy khi nghe thông tin UBND TP phấn đấu trong năm 2025 sẽ giải quyết 100% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của TP và 50% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc cơ quan T.Ư, bà rất mừng. Tuy nhiên bà không biết các dự án được "giải cứu" lần này là của DN nào, có dự án của DN bà hay không. "Chúng tôi chỉ mong dự án sớm được tháo gỡ pháp lý để triển khai trở lại. Càng để lâu chi phí vốn càng tăng lên, DN càng chết", vị này cho hay.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Dương Tuấn Tú, Tổng giám đốc Công ty Anh Tuấn - chủ đầu tư Lotus Residence ở Q.7, cũng cho biết đã nhiều năm dự án không thể triển khai do chưa hoàn thành khâu thẩm định giá để đóng tiền sử dụng đất. Dù DN đã liên hệ từ quận lên đến Sở TN-MT để xin được đóng tiền sử dụng đất, nhưng hồ sơ cứ chạy lòng vòng mà không chốt được. Do vậy, ông cũng như nhiều DN khác muốn đăng ký vào danh sách được tháo gỡ khó khăn đợt này nhưng không biết phải làm sao.
Theo ông Tú, DN của ông đã "kêu" rất nhiều từ qua văn bản cầu cứu đến trao đổi qua điện thoại nhưng dường như chưa đến được tai lãnh đạo TP. Vì vậy, ông cũng không biết bằng cách nào, bằng hình thức nào dự án của DN ông mới có thể được đưa vào danh sách tháo gỡ lần này. Trong khi đó, DN chỉ có mong muốn duy nhất là sớm được đóng tiền sử dụng đất để xin cấp phép xây dựng, triển khai dự án. "Nhiều năm rồi DN không có sản phẩm mở bán nên rất khó khăn. Hiện nay thị trường đang có những tín hiệu lạc quan nên chúng tôi cũng đang dốc toàn lực để hoàn thiện pháp lý với kỳ vọng cuối năm nay sẽ xong. Rất mong danh mục các dự án TP hứa hẹn giải quyết hết trong năm nay sẽ được công bố công khai", ông Tú cho hay.
Liên quan đến cam kết TP sẽ giải quyết 100% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM trong năm 2025, một lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho biết qua rà soát, TP tổng hợp được danh mục 571 công trình, dự án đầu tư công và tư nhân. Đây là các dự án do DN gửi kiến nghị lên các tổ công tác của Chính phủ và của TP trong thời gian qua. Ngoài ra, TP cũng chủ động rà soát từ báo cáo của DN. Cụ thể, có 265 dự án thuộc dạng chậm triển khai; 18 tài sản công tồn đọng; 31 công trình, dự án vướng mắc, tồn đọng của DN nhà nước; 108 công trình, dự án dừng, tạm dừng do thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; 149 khu đất không sử dụng hoặc chậm sử dụng.
Trong số này có 541 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết khó khăn của TP. Để cập nhật thêm, Sở mới có thông báo khẩn gửi các DN trên địa bàn có nhu cầu nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án nhà ở thương mại theo Nghị quyết số 171/2024 về Sở đến hết ngày 30.4.2025. Việc rà soát các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc vẫn tiếp tục được TP thực hiện, không chỉ dừng lại ở con số 571 dự án của đợt này.
Điều này có nghĩa là các dự án, các chủ đầu tư chưa được "gọi tên" vẫn có thể sẽ được giải quyết thỏa đáng trong thời gian tới.
343 dự án bất động sản sẽ được gỡ vướng
Liên quan đến Nghị quyết số 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, TP.HCM thống kê có 343 dự án đang thực hiện dự án nhà ở dưới 20 ha mà không có đất ở. Nếu không có nghị định thí điểm thì toàn bộ các dự án này sẽ bị tắc, sẽ không làm được các bước tiếp theo, như chấp thuận đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, giao thuê đất... Vì thế, nghị quyết thí điểm có hiệu lực trong vòng 5 năm sẽ tháo gỡ các vướng mắc lâu nay, mở ra một nguồn lực rất lớn để các DN thực hiện các dự án nhà ở thương mại, giúp nguồn lực đất đai tại TP.HCM được khơi thông.