Những "đứa trẻ Babylift" thoát nạn trên chuyến bay xấu số ngày đó nay đã… không còn "trẻ" nữa. Sau 50 năm, họ đã trở về thắp nén hương tưởng niệm những nạn nhân không qua khỏi.
50 năm, ngày ấy - bây giờ
Như Thanh Niên đã thông tin, theo trang adoptvietnam.org (Mỹ), chuyên đưa tin về việc nhận con nuôi ở Việt Nam, vào ngày 3.4.1975, Tổng thống Mỹ Gerald Ford thông báo chính phủ Mỹ sẽ bắt đầu sơ tán trẻ mồ côi khỏi Sài Gòn bằng máy bay vận tải quân sự C-5A Galaxy, thông qua chiến dịch mang tên Operation Babylift (Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam).

Nhiều người gốc Việt may mắn sống sót trên chiếc máy bay gặp tai nạn trong chiến dịch Operation Babylift năm 1975 trở về Việt Nam, tìm lại nơi còn tàn tích máy bay rơi 50 năm trước tưởng nhớ những nạn nhân xấu số
ẢNH: CAO AN BIÊN
Chuyến bay đầu tiên ngày 4.4.1975, máy bay quân sự C5A mang số hiệu 68-0218 chở 298 người, bao gồm 230 cô nhi và trẻ Việt lai, rơi lúc 16 giờ 45 tại một cánh đồng lúa sau khi cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Nơi máy bay gặp tai nạn ngày nay thuộc khu vực đường Vườn Lài, P.An Phú Đông (Q.12, TP.HCM). Tai nạn máy bay đã khiến 153 trong tổng số 328 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 58 trẻ em.
Trang adoptvietnam.org cho biết để chở càng nhiều trẻ càng tốt, những bé mới chập chững biết đi hoặc lớn hơn được cài dây an toàn, ngồi ở hàng ghế nhôm đặt dọc thân máy bay. Còn những bé nhỏ hơn được đặt trong các hộp vuông, mỗi hộp có 2 - 3 bé. Có một sợi dây dài dằn lên dãy hộp này để cố định các bé.

Ngày trở về đặc biệt của những "đứa trẻ Babylift" sau 50 năm cùng gia đình, người thân của họ
ẢNH: CAO AN BIÊN
Có nhiều số liệu thống kê khác nhau về số trẻ em bị đưa ra khỏi Việt Nam vào thời điểm đó, nhưng theo adoptvietnam.org, ít nhất 2.000 đứa bé đã được chở sang Mỹ và khoảng 1.300 đứa khác sang Canada, châu Âu và Úc, sau đó được nhiều gia đình nước ngoài nhận nuôi.
Những cảm xúc "khó nói bằng lời"
Ngày 4.4.2025, đúng 50 năm ngày diễn ra thảm kịch năm nào, hàng chục người đến từ nhiều nơi như Mỹ, Pháp, Canada, Úc… cùng hẹn nhau có mặt tại một ngôi nhà trên đường Vườn Lài (Q.12, TP.HCM), nơi còn lưu giữ tàn tích về chiếc máy rơi.
Trong số họ, có người may mắn thoát nạn trên chuyến bay năm đó, cũng có người đi chuyến bay khác của chiến dịch Operation Babylift, nhưng tất cả đều có cùng một cảm xúc đặc biệt khi được trở về Việt Nam, đất nước nơi họ cất tiếng khóc chào đời và thăm lại nơi còn tàn tích chiếc máy bay năm nào.
Từ sáng sớm, ông Huỳnh Văn Đang (61 tuổi), thường được gọi với cái tên thân thương là ông Sáu niềm nở đón tiếp những vị khách nước ngoài đặc biệt. Trong căn nhà của người đàn ông trên đường Vườn Lài vẫn còn lưu giữ một phần chiếc máy bay gặp nạn năm 1975.
"Gia đình tôi đã giữ gìn nó suốt nửa thế kỷ qua. Từ năm 2010, bắt đầu có nhiều người Babylift và người thân của họ tìm đến đây để tưởng nhớ những nạn nhân xấu số nhưng năm nay là một năm đặc biệt vì người tìm đến đông chưa từng có. Tôi cảm thấy xúc động khi có thể lưu giữ một phần ký ức, giúp họ tìm về nguồn cội của mình", người đàn ông xúc động chia sẻ.

Ông Đang là người đã lưu giữ một phần chiếc máy bay rơi năm xưa. Nhà ông là địa điểm quen thuộc của nhiều người Babylift tìm đến suốt hàng thập kỷ qua
ẢNH: CAO AN BIÊN

Thành tâm dâng hương, tưởng nhớ người đã khuất
ẢNH: CAO AN BIÊN
Trong số những người tìm đến đây, thắp nén hương thành kính với những người xấu số trong vụ rơi máy bay 50 năm trước, có bà Isabelle (Thoa) Facon Rossi, một người Pháp gốc Việt. Bà cho biết mình là một trong những đứa bé may mắn sống sót sau khi chiếc máy bay rơi.
Lần đầu tiên được đến hiện trường máy bay rơi nửa thế kỷ trước, khi bà còn quá nhỏ để có được những ký ức về ngày đó, người phụ nữ Pháp tâm sự bà vô cùng xúc động. Bà cầu nguyện cho những người đã khuất cũng như được cùng mọi người khám phá thêm về nguồn cội, gốc gác Việt Nam.
"Tôi vẫn chưa tìm thấy gia đình Việt Nam của mình. Nhưng trong khoảnh khắc này đây, tất cả chúng tôi ở đây là một gia đình", nhìn mọi người xung quanh, đều là những "đứa trẻ Babylift" năm nào cùng gia đình, người thân của họ, bà Isabelle xúc động nói.
Kế bên, bà Stéphanie Racine, một người Pháp khác cũng cho biết sau nửa thế kỷ, bà có những cảm xúc khó tả khi trở về Việt Nam, thăm lại một nơi đầy đặc biệt.


Từ phải sang, bà Stéphanie, bà Isabelle và ông Guillaume nhìn lại tàn tích máy bay rơi năm xưa. Họ là những người sống sót sau tai nạn
ẢNH: CAO AN BIÊN

Chuẩn bị nhang đèn... để tưởng nhớ người đã khuất, bà Trista Goldberg (55 tuổi), một người Mỹ gốc Việt thành kính tưởng niệm những nạn nhân trên chuyến bay ngày đó. Chuyến đi Việt Nam lần này, với bà Trista có một ý nghĩa đặc biệt khi không chỉ hoài niệm, nhớ về ký ức xưa mà còn giúp đỡ những người bạn của mình tìm gia đình ruột thịt.
Thiết tha tìm lại gia đình Việt Nam
Ông Guillaume Zen Yperman (51 tuổi, quốc tịch Pháp) trong chuyến về Việt Nam đặc biệt này một phần để tìm về nơi hiện trường máy bay rơi, nơi ông đã may mắn sống sót và quan trọng hơn là để có cơ hội được gia đình Việt Nam của mình sau hơn nửa thế kỷ chia xa.
Tất cả thông tin mà ông biết về gốc gác Việt Nam của mình đều từ những hồ sơ bằng tiếng Pháp còn được cha mẹ nuôi người Pháp lưu giữ cẩn thận. Theo đó, ông Guillaume có tên khai sinh là Dương Mạnh Hùng, sinh ngày 14.4.1974 ở xã Khánh Hưng, Q.Mỹ Xuyên, tỉnh Ba Xuyên, nay thuộc TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng).




Những cảm xúc đặc biệt khó diễn tả hết bằng lời
ẢNH: CAO AN BIÊN
Hồ sơ không có tên cha, chỉ có tên người mẹ là Dương Thị Phấn. Mạnh Hùng là đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới sinh ra và được cô nhi viện ở Ba Xuyên nhận về nuôi. "Đứa trẻ này không có người thân, cha mẹ, chúng tôi cũng không rõ địa chỉ. Cha mẹ chưa bao giờ đến thăm cho đến tận bây giờ", hồ sơ cô nhi viện ghi rõ.
Thời điểm này, cậu bé được một cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi. Sau chuyến bay đầy định mệnh, cậu bé bị bỏ rơi ngày nào được sống một cuộc đời mới ở nước Pháp, được cha mẹ nuôi yêu thương và chăm sóc như con ruột. Dẫu vậy, niềm khát khao về nguồn cội chưa bao giờ thôi thổn thức trong trái tim của "cậu bé Babylift" năm nào. Khi có con gái năm 2004, người đàn ông quyết định lần đầu tiên về Việt Nam tìm lại mẹ ruột, gia đình máu mủ của mình.
"Tôi về lại Sóc Trăng sau 3 thập kỷ, ghé thăm cô nhi viện và cũng gặp lại sơ ngày xưa đã chăm sóc tôi. Sơ kể cho tôi nghe mẹ bỏ tôi lại ở cô nhi viện khi 3 tháng tuổi, nhưng không còn bất kỳ manh mối nào thêm", ông kể với chúng tôi.

Ông Guillaume cùng gia đình về Việt Nam tìm gia đình ruột thịt đầu năm 2025.
ẢNH: CAO AN BIÊN
Dẫu cơ hội mong manh, thông tin ít ỏi nhưng suốt bao năm qua, ông chưa từng bỏ cuộc trong hành trình tìm mẹ của mình. Suốt 5 lần về Việt Nam, hành trang của ông là "dự án" lớn lao nhất trong cuộc đời: Tìm mẹ ruột!